18.000 tỷ đồng từ thoái vốn tại Vinamilk
Theo lãnh đạo tổng công ty SCIC, trong quý IV/2016, dự kiến sẽ bán trước 9% vốn tại Vinamilk ra thị trường trong nước và quốc tế. Với giá cổ phiếu hiện tại, SCIC có thể thu về khoảng 18.301 tỷ đồng nhờ đợt thoái vốn “khủng” này.
Trong năm 2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 10 công ty niêm yết lớn như Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh… Hiện, Nhà nước vẫn nắm giữ tới 45,1% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM).
Bán vốn có ngay 18.300 tỷ đồng
Vinamilk hiện dẫn đầu ngành sữa với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng cao, ổn định nhiều năm. Trong quý II/2016, công ty mẹ – Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần 11.650 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 2.717 tỷ đồng, tăng 28%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, công ty mẹ Vinamilk đạt hơn 21.200 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 17%) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.843 tỷ đồng (tăng hơn 32%). Kết quả kinh doanh ở thị trường nước ngoài của Vinamilk cũng tăng trưởng khá mạnh với doanh thu tăng 11% và lợi nhuận gộp 57%.
Trước đó, trong năm 2015, Vinamilk đã thu về 40.222,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng nhưng giá vốn tăng khá chậm. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu, vốn chiếm tỷ trọng trong cơ cấu chi phí sản xuất lại giảm 9,6%. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.769,6 tỷ đồng. Hội đồng quản trị công ty đã đề xuất mức chia cổ tức lên tới 60%, mức cao nhất từ trước tới nay.
Với những con số lợi nhuận “trong mơ” và mức tăng trưởng cao, Vinamilk luôn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” trong danh mục đầu tư, cũng như là một trong những nguồn thu cổ tức chính cho SCIC lên tới 6.400 tỷ đồng cho năm tài chính 2015.
Do đó, thông tin SCIC sẽ bán toàn bộ vốn 45,1% tại Vinamilk được cả thị trường mong ngóng, và Chính phủ cũng hối thúc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn này.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty SCIC, giá trị phần vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn hiện vào khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó, Vinamilk chiếm tới 90%, tương ứng khoảng 90.000 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2016, SCIC sẽ thực hiện bán 9% cổ phần tại Vinamilk, nhờ đó giảm sở hữu nhà nước xuống còn 32,1%.
“SCIC sẽ thuê tư vấn trong và ngoài nước định giá lại Vinamilk, trong đó thị giá cổ phiếu là một cơ sở. Trong tháng 9, chúng tôi sẽ chốt lại các đơn vị tư vấn. Đến tháng 11 sẽ có giá khởi điểm và thực hiện giới thiệu cơ hội đầu tư trong và ngoài nước”- ông Chi nói.
Ông Chi cũng cho biết thêm là sẽ thực hiện chào bán cạnh tranh theo lô, thoả thuận ngoài biên độ giá trên sàn, nhằm mục tiêu bán được cổ phiếu ở mức giá cao nhất.
Với “sức khoẻ” tài chính mạnh, kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, đợt thoái vốn của SCIC được kỳ vọng sẽ bán được giá tốt. Dù vậy, ông Chi cho hay, mức giá bán cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc diễn biến thị trường trong và ngoài nước, thậm chí là cả kinh tế vĩ mô Việt Nam và thế giới. Nhưng giá bán chắc chắn sẽ không thấp hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
Hình dung cụ thể, với mức giá hiện tại là 141.000 đồng/CP (phiên 26/9/2016), nếu bán thành công 9% cổ phần của Nhà nước, SCIC có thể sẽ thu về khoảng 18.301 tỷ đồng. Giá trị vốn hoá của Vinamilk hiện đạt hơn 203.345 tỷ đồng.
Có tỷ USD mới mua VNM
Hiện tại, lãnh đạo SCIC vẫn đang có hai phương án bán cổ phần tại Vinamilk là bán một lô hoặc hai lô, tùy thuộc vào kết quả chào mua của nhà đầu tư. Tổng công ty này dự kiến sẽ tổ chức giới thiệu (roadshow) cho đợt chào bán cổ phiếu ở trong nước và quốc tế.
Một số đơn vị tư vấn uy tín đang được xem xét, lựa chọn để tư vấn cho đợt chào bán cổ phiếu VNM như: Credit Suisse, JP Morgan, HSBC, Morgan Stanley, Nomura và ba công ty chứng khoán nội gồm Bản Việt, HSC và SSI.
Do quy mô của đợt thoái vốn này rất lớn, chào bán cho đối tượng cả nước ngoài nên SCIC cân nhắc kỹ lưỡng để chọn được nhà tư vấn có chất lượng tốt nhất và chi phí thấp nhất.
Việc chào bán cũng được thực hiện thận trọng từng bước, theo đó bán trước 9% để đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền để tính toán phương án bán tiếp cổ phần Vinamilk.
Nếu thực hiện phương án bán trọn lô 9% (tương ứng 130,6 triệu cổ phiếu), SCIC và đơn vị tư vấn sẽ phải “đãi cát tìm vàng” để lựa chọn ra nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Cổ đông lớn này có thể gom thêm 1% cổ phiếu trên sàn để có đủ 10% và cử đại diện tham gia vào Hội đồng quản trị của Vinamilk.
Theo lãnh đạo SCIC, đợt chào bán này sẽ mở rộng cho tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, có đủ năng lực tài chính, không phân biệt, giới hạn nhà đầu tư tổ chức hay tư nhân… đăng ký mua cổ phiếu VNM. Miễn là nhà đầu tư có hàng tỷ USD và trả mức giá cao nhất mà SCIC thu về nhiều nhất.
Mục tiêu quan trọng của việc thoái vốn nhà nước tại Vinamilk cũng như FPT, Bảo Minh… là nhằm tạo nguồn vốn lớn, phục vụ chi đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Số thu từ thoái vốn tại VNM sẽ dùng để xây dựng một số công trình quan trọng như: Bệnh viện Bạch Mai 2, Bệnh viện Việt Đức 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy…