2015 không dễ dàng với Trung Quốc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chỉ số quản trị sức mua (PMI) tháng 11 của Trung Quốc vừa được công bố cho thấy ngành chế tạo của nước này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế cho thấy khả năng điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Trung Quốc là rất lớn. Bắc Kinh đang chờ đón một năm không dễ dàng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận mức tăng trưởng giảm đến đâu khi đang đứng trước nhiều việc phải giải quyết như bong bóng bất động sản xì hơi. Nguồn: internet
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận mức tăng trưởng giảm đến đâu khi đang đứng trước nhiều việc phải giải quyết như bong bóng bất động sản xì hơi. Nguồn: internet

Chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc trong tháng qua ở mức 50,3 (điểm), thấp hơn con số 50,8 trong tháng trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2014. Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 11/2014 của Trung Quốc, theo khảo sát của ngân hàng HSBC, dừng ở ngưỡng 50, thấp nhất trong 6 tháng qua. Đây là ngưỡng phân định ranh giới giữa tăng trưởng và sụt giảm.  

PMI là một trong những chỉ số chủ chốt cho thấy thể trạng của kinh tế Trung Quốc. Chuyên gia nghiên cứu Trương Lập Quần của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng chỉ số PMI tháng 11 tiếp tục sụt giảm cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn rơi vào tình trạng co cụm.

Chia sẻ quan điểm này, Trương Bân - Chủ nhiệm Phòng Vĩ mô của Viện Thế giới thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho biết, từ chỉ số PMI và đơn hàng xuất khẩu hiện nay có thể thấy tiến độ phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn rất chậm, dự đoán Trung Quốc vẫn sẽ duy trì cường độ của chính sách tiền tệ ổn định và chính sách tài chính tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cụ thể có thể sẽ có điều chỉnh.

Từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc liên tục thực hiện chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ thận trọng. Phần lớn chuyên gia kinh tế cho rằng nếu xem xét các nhân tố hiện nay như đầu tư, xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, thì các chỉ số như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đầu tư, vật giá, thương mại... đều đối mặt với khả năng hạ thấp năm tới. 

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đề ra hồi đầu năm 2014 là khoảng 7,5%. Không ít chuyên gia cho rằng xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc 2 tháng cuối năm khó có thể tăng trưởng nhanh, vì vậy các mục tiêu kinh tế chính của năm 2015 có thể được điều chỉnh thêm một bước. Trong khi đó, thị trường phổ biến nhận định rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 có thể điều chỉnh về mức 7%.

Theo các nhà phân tích, giới hoạch định chính sách tại Bắc Kinh đã sẵn sàng cho việc hạ mục tiêu tăng trưởng lần đầu tiên trong vòng ba năm qua và tăng cường kích thích khi nền kinh tế đang chịu sức ép giảm tốc lớn hơn. Vấn đề đang được đặt ra là các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ chấp nhận mức tăng trưởng giảm đến đâu khi đang đứng trước nhiều việc phải giải quyết như bong bóng bất động sản xì hơi, nợ cao và mối đe dọa giảm lạm phát lơ lửng.

Các nhà kinh tế của Nomura dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2015 xuống các mức tương ứng 7% và 3%, so với các mức của năm 2014 là 7,5% và 3,5%. Lần gần đây nhất Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng là vào năm 2012, từ 8% xuống 7,5% và con số 7% sẽ là thấp nhất kể từ năm 2004.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,3% trong quý kết thúc vào tháng 9, thấp hơn mức tăng 7,5% trong quý trước đó và là quý thấp nhất kể từ năm 2009, lúc cao điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong thời gian qua, chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng mini như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và bơm tiền vào 5 ngân hàng lớn nhất nước này hòng khuyến khích các ngân hàng cho vay tiền.

Giới chuyên gia kinh tế và phân tích dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất và đưa ra các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính trong năm tới, do lo ngại giá cả giảm có thể dẫn tới một làn sóng các vụ vỡ nợ, doanh nghiệp phá sản và người lao động mất việc làm.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng sự giảm tốc mạnh của nền kinh tế có thể ảnh hưởng đến việc làm và sự ủng hộ của người dân với các cải cách. Chính phủ nước này muốn thực hiện một số cải cách trong năm tới, trong đó có những cải cách tài chính nhằm giải quyết núi nợ của các chính quyền địa phương và nguy cơ vỡ nợ của các chính quyền địa phương có thể được hạn chế nhờ các mức lãi suất thấp hơn.