2015: Mạnh tay xử lý vi phạm kinh doanh thực phẩm chức năng
(Tài chính) Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015, cơ quan này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với loại sản phẩm này.
Bùng nổ sản xuất kinh doanh và... vi phạm
Theo kết quả điều tra và nghiên cứu của Hiệp hội Thực phẩm Chức năng (TPCN) Việt Nam (VAFF) công bố vào cuối năm 2014 về thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam trong giai đoạn 2000-2013.
Nếu như năm 2000, cả nước mới có 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, thì đến năm 2013 con số này đã lên tới 3.512.
Nếu năm 2000, mới chỉ có 63 sản phẩm TPCN có mặt tại thị trường Việt Nam thì chỉ từ 2011-2013, thị trường đã xuất hiện khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó khoảng 40% là hàng nhập khẩu.
Những số liệu điều tra nêu trên cho thấy, những năm gần đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh TPCN bùng phát tại Việt Nam như... nấm mọc sau mưa. Theo khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) năm 2013, số người lớn sử dụng TPCN tại TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50%. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đã trở nên quen dùng TPCN.
Đây cũng là lý do khiến cho địa bàn TP. Hồ Chí Minh có số cơ sở kinh doanh, sản xuất TPCN mọc lên ào ạt. Hầu như tất cả các quận, huyện của thành phố đều có sự “đóng đô” của các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN.
Thậm chí, trong một phường cũng có đến vài ba cơ sở. Các quận, huyện vùng ven như Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận... là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN.
Nhận thấy TPCN là mảnh đất màu mỡ, nên hơn 90% số doanh nghiệp vốn chỉ sản xuất dược phẩm đã nhanh chóng tham gia vào hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN.
Chính điều này đã khiến tình trạng sản xuất, nhập khẩu TPCN trở nên hỗn độn. Nhiều công ty thành lập cả hệ thống bán hàng đa cấp lôi kéo nhiều người tham gia, tạo nên những kênh phân phối bát nháo.
Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý đã bộc lộ, khiến thị trường TPCN càng trở nên hỗn loạn. Người tiêu dùng lạc vào “ma trận” thực phẩm chức năng nội, ngoại.
Kết quả đợt thanh tra về TPCN của Bộ Y tế được thông báo ngày 7/7/2014 cho thấy, trong số hơn 4.500 cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN được kiểm tra đợt này, có gần 2.000 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Các mặt hàng TPCN được kinh doanh cũng vô cùng đa dạng, từ “thượng vàng đến hạ cám”. Sôi động nhất là TPCN được các công ty bán hàng đa cấp quảng cáo như thần dược để thu hút người tiêu dùng, trong khi phần lớn các sản phẩm này chưa đưa ra được chứng cứ khoa học về thử nghiệm lâm sàng.
Đơn cử như trong phần giới thiệu của công ty TNHH thương mại dịch vụ Khổng Gia trên Trang Vàng Việt Nam khẳng định: “Với tầm nhìn dài hạn và quan điểm phát triển bền vững, Khổng Gia đã tập trung đầu tư vào các lĩnh vực làm đẹp, chăm sóc sức khỏe với 2 thương hiệu chiến lược là thuốc giảm cân Rich Slim và thuốc giảm cân Perfect Slim USA. Bằng những nỗ lực không ngừng sau 4 năm, Khổng Gia đã trở thành thương hiệu số 1 Việt Nam về giảm cân cao cấp”(?).
Quảng cáo quá đà, thổi phồng tác dụng của sản phẩm là căn bệnh phổ biến của rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN. Chỉ trong tháng 7/2014, Thanh tra y tế TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt 5 cơ sở vì quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước, với tổng số tiền phạt trên 50 triệu đồng. Mặc dù liên tục kiểm tra, xử phạt, nhưng những việc làm đó cũng chỉ như “đá ném ao bèo”, bởi những vi phạm này vẫn tiếp diễn tràn lan.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trả lời trên báo Pháp luật Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015, cơ quan này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm TPCN.
Cụ thể, bên cạnh áp dụng chế tài và mức xử phạt khá cao như hiện nay, Cục An toàn thực phẩm sẽ áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, công bố công khai các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm trên cổng thông tin của Cục và các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo rộng rãi hơn nữa cho cộng đồng.
Đồng thời, trong năm 2015, Cục sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan quản lý, như: Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, các đơn vị phát hành quảng cáo, cơ quan báo chí thông báo nội dung các sản phẩm được xác nhận thẩm định quảng cáo cũng như thông báo cả các đơn vị, sản phẩm vi phạm.
Theo đó, Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông sẽ xử lý nghiêm các trang mạng, đơn vị quảng cáo, nhà in thực hiện quảng cáo không đúng, còn Cục An toàn thực phẩm sẽ xử lý các sản phẩm, đơn vị vi phạm.
Ngoài ra, còn tăng cường thông tin đến các cơ quan chức năng ở các tỉnh, thành phố phối hợp xử lý các vi phạm về thực phẩm chức năng.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 2/2015, cơ quan này đã phát hiện xử phạt 38 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, với số tiền trên 600 triệu đồng.
Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo đến người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm chức năng khi có nhu cầu thực sự, lựa chọn cho phù hợp với mục đích nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, không nên nghe lời quảng cáo quá sự thật để tránh những thiệt hại không đáng có về sức khỏe và kinh tế./.