285.544 tỷ đồng cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2018
Đó là số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH – DN) và hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) do NHNN phối hợp với UBND TPHCM tổ chức sáng ngày 18/4.
Cụ thể, trong năm 2018 các TCTD trên địa bàn TPHCM đã cho vay theo chương trình được 10.593 khách hàng với số tiền 285.544 tỷ đồng; trong đó giải ngân cho vay theo gói tín dụng ưu đãi lãi suất 269.493 tỷ đồng cho 10.092 khách hàng, với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung và dài hạn xoay quanh 9%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong năm 2019 tại địa bàn TP có 16 NHTM đăng ký tham gia chương trình kết nối NH – DN với tổng số vốn đăng ký cho vay khoảng 269.262 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối tháng 3-2019 các NHTM đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng cho 1.100 DN theo chương trình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các DN kinh doanh các sản phẩm chủ lực tham gia hội nghị này cũng kiến nghị nhiều gút mắc, khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn NH. Cụ thể, theo đại diện CTCP Cơ khí thương mại Đại Dũng, hiện DN còn tiếp cận nguồn vốn tài trợ với chi phí cao, có NH áp dụng đến 8,9%/năm cho gói vay ngắn hạn 6 tháng.
Việc bảo mật thông tin của các khách hàng như nợ quá hạn, tổng dư nợ… làm cho thông tin trở nên khó kiểm định khi ký hợp đồng mua bán với khách hàng. DN sản xuất sản phẩm chủ lực rất khó khăn khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn như thiếu hạn mức bảo lãnh, thiếu kỹ năng tư vấn.
Khi vay vốn, DN cần có rất nhiều tài sản thế chấp nhưng tài sản là đất thuê trong khu công nghiệp rất có giá trị mà không được tính là tài sản thế chấp và điều kiện tăng hạn mức vay lớn hơn rất khó khăn.
Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM, cũng kiến nghị mặc dù chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Trung ương và TPHCM đã có, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh do độ trễ trong triển khai, thực hiện chính sách.
Các NHTM và quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, quỹ hỗ trợ vốn cho hợp tác xã tuy tích cực hơn nhưng thủ tục thế chấp của DN vẫn còn trở ngại nên chưa hỗ trợ được nhiều cho DN.
Qua các ý kiến chia sẻ của DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, hiện nay quan hệ NH-DN đã bình đẳng, cộng sinh. Các NH đang tìm đến DN để kết nối với nhau. Từ những khó khăn do DN nêu lên, NHNN sẽ tập trung xem xét các vấn đề liên quan đến thủ tục cho vay, lãi suất, tài sản thế chấp, tỷ lệ cho vay thấp… để xử lý thỏa đáng.
Các năm qua, DN đều được xem là đối tượng hỗ trợ tháo gỡ chính trong chính sách của Chính phủ để khai thác tối đa nguồn lực, do đó ngành NH cũng có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, điển hình nhất là sẽ không có chuyện tăng lãi suất từ nay đến cuối năm, điều hành tỷ giá ổn định để DN yên tâm sản xuất kinh doanh.
Liên quan đến hỗ trợ DN trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cũng khẳng định, TP có tổng cộng 372.000 DN, tổng vốn đăng ký hơn 4,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, DN siêu nhỏ chiếm 86%, vốn chiếm 13%; DN nhỏ chiếm 4,5% về số lượng, vốn chiếm 4,31%; DN vừa số lượng 6,35%, vốn chiếm 16%; DN lớn (hơn 100 tỷ đồng) chỉ chiếm 1,99% nhưng vốn chiếm đến 65%.
Như vậy, DN siêu nhỏ chiếm hơn 91,67% số lượng và 17% số vốn. Do đó, kiến nghị cần phải quan tâm đến DN nhỏ và siêu nhỏ là chính xác và tháo gỡ khó khăn cho những DN này tiếp cận vốn sản xuất là cần thiết. Tại hội nghị này, 16 NHTM trên địa bàn TP đã ký kết tài trợ cho các DN. Sau một thời gian, cần tổng kết về hiệu quả để đưa chính sách đi vào cuộc sống.
“Vụ Tín dụng NHNN có đưa ra một số kiến nghị để phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh, tuy nhiên việc này UBND TPHCM đã làm, làm nhiều năm nay và làm cụ thể từng sản phẩm chủ lực để sớm phát triển như đẩy nhanh thi hành án, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các DN.
Còn về các khó khăn vướng mắc của DN, các Sở ban ngành cần ghi nhận để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ phù hợp” - Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm chia sẻ.