Sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%
NHNN Việt Nam đang xây dựng Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Về cơ bản các ngân hàng vẫn phải tuân thủ 7 giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn như hiện hành, bao gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trừ tỷ lệ an toàn vốn áp dụng đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định riêng của NHNN, giới hạn cấp tín dụng; Tỷ lệ khả năng chi trả; Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Giới hạn góp vốn, mua cổ phần; Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.
Tuy nhiên, quy định cụ thể về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn có một số thay đổi. Đơn cử như quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, mặc dù các nhà băng vẫn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất là 9%, song cấu phần tổng tài sản có rủi ro đã có nhiều thay đổi khi hệ số rủi ro được điều chỉnh tăng nhằm đảm bảo kiểm soát, hạn chế đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cụ thể, kể từ 1/1/2020 hệ số rủi ro đối với khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ được nâng lên 150% thay vì mức 50% như hiện hành.
Thế nhưng điểm đáng chú ý nhất là việc NHNN đề xuất 2 phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 30%. Theo phương án 1, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 40% từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020. Còn từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ này sẽ được giảm về còn 35% và sẽ giảm tiếp về còn 30% từ 1/7/2021.
Trong khi theo phương án 2, lộ trình điều chỉnh chậm hơn. Cụ thể, từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020 tỷ lệ tối đa là 40%; từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ tối đa giảm còn 37%; từ 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 tối đa 34% và từ 1/7/2022 sẽ được giảm về tối đa 30%.
Giải thích cho đề xuất này, NHNN Việt Nam cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát về tỷ lệ này và số liệu kinh tế vĩ mô, diễn biến tình hình kinh tế trong năm 2018 và các năm tiếp theo cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, chủ trương về phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2025, NHNN đã điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của ngân hàng, chi nhánh NHNNg, từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng, chi nhánh NHNNg trước những thay đổi của các yếu tố từ trong và ngoài nước, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Việc giảm có lộ trình tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn cũng đã được NHNN phát tín hiệu, truyền thông trong thời gian vừa qua.
Đặc biệt “việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, chi nhánh NHNNg và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như: Phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...”, NHNN Việt Nam cho biết.
Đồng tình với quan điểm này của NHNN Việt Nam, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc phải lo cả nguồn vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế đang đặt hệ thống ngân hàng trước các rủi ro kỳ hạn và rủi ro thanh khoản do hiện nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng việc giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế khi mà ở nhiều nước phát triển, hệ số này chỉ ở mức 20%. “Tỷ lệ này càng cao thì rủi ro đối với các ngân hàng cũng tăng lên”, ông nói.
Là người có nhiều năm làm việc tại IMF, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cũng có chung quan điểm như vậy. Ông cũng cho rằng lộ trình mà NHNN đề xuất để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về còn 30% trong 2 – 3 năm tới là hoàn toàn hợp lý và các ngân hàng có đủ thời gian để chuẩn bị khi mà hiện tỷ lệ này của các ngân hàng trong nước chỉ vào khoảng 32-33%.
Quả vậy, theo Thống kê của NHNN Việt Nam, tại thời điểm cuối tháng 1/2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NHTM Nhà nước là 31,56% và của các NHTMCP là 32,94%.
Ông Lực cũng cho rằng việc siết chặt tín dụng trung dài hạn sẽ buộc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn. Điều này sẽ giúp giải tỏa nhu cầu vay vốn trung dài hạn từ kênh ngân hàng, phù hợp với chủ trương phát triển thị trường trái phiếu.