3 mục tiêu căn bản sửa đổi Luật Chứng khoán

PV.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) hướng tới 3 mục tiêu căn bản, đó là: Hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu hội nhập; Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với thị trường chứng khoán; Bảo đảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tham gia thị trường.

Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận trực tiếp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan, tạo sự đồng thuận trong xây dựng dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), ngày 7/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)” khu vực phía Bắc.

Hội thảo lần này tập trung vào một số nội dung: Giới thiệu nội dung của Luật Chứng khoán (sửa đổi); Tham luận của một số đơn vị đóng góp ý kiến và những đề xuất để hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật; Trao đổi, thảo luận giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và các đại biểu.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội, đưa dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán trình Quốc hội lấy ý kiến vào kỳ họp đầu tiên và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 2 năm 2019.

Theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Luật Chứng khoán được ban hành năm 2006 và sửa đổi năm 2011 đã góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Đến 2018, số lượng công ty niêm yết tăng hơn 7 lần so với năm 2016, có hơn 1.537 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, vốn hoá thị trường đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP, so với mức 22% GDP của năm 2016. 

Tuy nhiên, với quá trình phát triển của nền kinh tế và hoạt động thị trường chứng khoán đã phát sinh nhiều bất cập và nhu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Chứng khoán để phù hợp với tình hình mới, tạo ra khuôn khổ pháp lý và động lực cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững và an toàn. 

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều. Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán (sửa đổi) được xây dựng dựa trên chủ trương căn bản là chỉ đạo của Đảng, phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư huy động vốn dài hạn của nền kinh tế. 

Đồng thời, dự thảo luật xây dựng kế thừa những quy định Luật Chứng khoán từ năm 2006, bổ sung những nội dung phù hợp với thực tế thị trường và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng sẽ đảm bảo sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật do Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi. 

Luật Chứng khoán sửa đổi hướng tới 3 mục tiêu căn bản, đó là: Hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu hội nhập; Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với thị trường chứng khoán; Bảo đảm hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính tham gia thị trường. Bên cạnh những nội dung sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ... dự thảo Luật sẽ quy định rõ thống nhất với Luật Doanh nghiệp về phạm vi điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán. Cùng với đó, dự thảo cũng sẽ có những bổ sung, sửa đổi về quy định đối với công ty đại chúng như: điều kiện trở thành công ty đại chúng; hồ sơ công ty đại chúng; quyền và nghĩa vụ của công ty đại chúng; chào mua công khai; quản trị công ty đại chúng... 

Song song với đó, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Chứng khoán đã sửa đổi tên gọi của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tương tự như Sở giao dịch chứng khoán. 

Ngoài ra, dự thảo luật lần này cũng sẽ có những điểm sửa đổi, bổ sung về các quy định liên quan tới công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; về công bố thông tin; về thanh tra, xử lý vi phạm...