Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ xóa giấy phép “2 trong 1“
Những tồn tại của khối công ty chứng khoán sẽ được tháo gỡ trong Luật chứng khoán sửa đổi năm 2019.
77 công ty chứng khoán đang hoạt động bình thường hiện nay không được cập nhật trên hệ thống doanh nghiệp quốc gia. Trong khi đó, khoảng 5 trong số 28 công ty chứng khoán đã bị loại khỏi cuộc chơi thông qua việc chấm dứt hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể và hợp nhất, rút nghiệp vụ môi giới, vẫn chưa thể xóa tên dù đã ngừng hoạt động. Hai trong số những tồn tại day dứt nhất của khối công ty chứng khoán được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ trong lần sửa đổi Luật Chứng khoán vào năm 2019.
Theo dự thảo Luật Chứng khoán vừa được Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước công bố chiều ngày 3/10, nội dung sửa đổi liên quan đến khối công ty chứng khoán bao gồm: tách bạch giữa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; khắc phục sự phân tán và thiếu thống nhất trong giải thể thủ tục thành lập doanh nghiệp; bảo đảm tổ chức kinh doanh chứng khoán có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, tuân thủ pháp luật.
Liên quan đến cấp phép công ty chứng khoán, nội dung sửa đổi sẽ theo hướng tách thành 2 hoạt động: cấp phép hoạt động công ty chứng khoán được thực hiện theo Luật Chứng khoán và đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo Luật Doanh nghiệp để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Lý giải về điều này, đại diện Ban soạn thảo cho biết: việc thực hiện cơ chế một giấy phép đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán như hiện nay (vừa là giấy phép thành lập và hoạt động, vừa là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) sẽ tạo điều kiện giảm bớt thủ tục hành chính nhưng thực tế đã phát sinh bất cập trong việc tái cấu trúc khối công ty chứng khoán 10 năm nay, đặc biệt là việc rút giấy phép và giải thể công ty chứng khoán do vẫn còn các quyền và nghĩa vụ liên quan.
Cụ thể, đối với điều cấp phép công ty chứng khoán, Dự thảo Luật tách điều kiện cấp phép công ty chứng khoán thành 2 điều kiện khác nhau, đồng thời bổ sung quy định cụ thể về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán gồm: điều kiện về vốn, về cổ đông, thành lập góp vốn, cơ cấu cổ đông... Các điều kiện cụ thể này sẽ được luật hóa từ các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành và có chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tiễn.
"Khi doanh nghiệp không còn hoạt động, năng lực tài chính cũng không còn, nhưng vẫn không thể giải thể hoặc phá sản vì vẫn còn nghĩa vụ thực hiện nợ với khách hàng và như vậy không thể xóa tên", Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho hay.
Đối với quy định liên quan đến vai trò giám sát của tổ chức kinh doanh chứng khoán đối với khách hàng bảo đảm tuân thủ pháp luật chưa được đề cập trong Luật Chứng khoán hiện hành, sẽ được bổ sung trong dự thảo, nhằm giám sát giao dịch chứng khoán được triển khai toàn diện hơn, việc phát hiện ngăn ngừa các hành vi vi phạm về giao dịch chứng khoán sẽ kịp thời và hiệu quả, nhất là khi thị trường chứng khoán phái sinh đã đi vào hoạt động.
Cụ thể, bổ sung quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các công ty chứng khoán trong việc giám sát đảm bảo khách hàng tuân thủ quy định giao dịch chứng khoán, Dự thảo Luật sẽ quy định rõ tài sản của khách hàng do công ty chứng khoán tiếp nhận và quản lý là tài sản thuộc quyền sở hữu của khách hàng. Trường hợp công ty chứng khoán giải thể hoặc bị phá sản, các tài sản này phải được hoàn trả cho khách hàng sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ phải trả của khách hàng.
Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các trường hợp công ty chứng khoán giải thể, phá sản, khắc phục được hạn chế hiện nay của Luật chứng khoán hiện hành khi mới chỉ quy định nghĩa vụ quản lý tách biệt chứng khoán của từng nhà đầu tư, tách biệt tiền và chứng khoán của nhà đầu tư với tiền và chứng khoán của công ty chứng khoán mà chưa khẳng định rõ tài sản của khách hàng do công ty chứng khoán tiếp nhận và quản lý là tài sản thuộc quyền sở hữu của khách hàng.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định rõ theo nghiệp vụ kinh doanh được cấp phép hoạt động công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ chứng khoán, bổ sung quy định nghĩa vụ của công ty chứng khoán trong xây dựng hệ thống, cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục.
Nhiều năm nay, quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán ngày càng được đẩy mạnh. Sau 5 năm triển khai Đề án tái cấu trúc, tính đến ngày 30/6/2018, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã xử lý được 28 công ty chứng khoán thông qua việc chấm dứt hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể và hợp nhất, rút nghiệp vụ môi giới.
Trên thị trường chứng khoán hiện còn 77 công ty chứng khoán hoạt động bình thường. Xuyên suốt lộ trình tái cơ cấu công ty chứng khoán, cơ quan quản lý ngành chứng khoán luôn khuyến khích các công ty chứng khoán tiến hành sáp nhập, hợp nhất để nâng cao quy mô, năng lực tài chính và chất lượng sản phẩm.