Nhiều điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)

PV.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 137 điều đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới đáng chú ý so với Luật Chứng khoán hiện hành.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới đáng chú ý so với Luật Chứng khoán hiện hành. Nguồn: internet
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới đáng chú ý so với Luật Chứng khoán hiện hành. Nguồn: internet

Vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên mới được chào bán cổ phiếu lần đầu

Dự thảo Luật nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là từ 30 tỷ đồng trở lên (quy định tại Luật hiện hành là 10 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi (quy định hiện hành là 1 năm liền trước), đồng thời không có lỗ lũy kế.

Đồng thời, bổ sung quy định về tỷ lệ vốn cổ phần tối thiểu của tổ chức phát hành phải được bán cho nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ, cam kết hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông lớn, tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán, mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán...

Công ty đại chúng phải có vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên

Nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm quy mô và tính đại chúng của công ty đại chúng, từ đó cải thiện chất lượng hàng hóa trên TTCK, Dự thảo Luật nâng điều kiện về vốn điều lệ của công ty đại chúng. Theo đó, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên (hiện hành là từ 10 tỷ đồng trở lên).

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện về số lượng, cơ cấu cổ đông: Có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ.

Theo Bộ Tài chính, quy định trên là phù hợp với thông lệ quốc tế, công ty đại chúng ở các nước trên thế giới thường có quy mô và số lượng cổ đông lớn.

Vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên mới được chào bán trái phiếu

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ra công chúng phải là doanh nghiệp có quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn về quản trị công ty, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán theo chuẩn công ty đại chúng quy mô lớn.

Theo đó, Dự thảo Luật nâng cao điều kiện về vốn điều lệ của doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ra công chúng là doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 300 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán (quy định hiện hành là 10 tỷ đồng).

Bổ sung đối tượng công bố thông tin

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã bổ sung đối tượng công bố thông tin là tổ chức niêm yết, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Tổ chức kiểm toán được chấp thuận; Người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người có liên quan của người nội bộ; Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; Nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng... 

Bổ sung thẩm quyền của UBCKNN về thanh tra, xử lý vi phạm

Để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế nhằm phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, Dự thảo Luật bổ sung, quy định rõ thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, UBCKNN có quyền: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đối chất liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm quy định...

Sở Giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần

Một trong những điểm nổi bật của Dự thảo Luật là quy định Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những hạn chế trong đăng ký niêm yết chứng khoán hiện nay, Dự thảo Luật bổ sung quy định chứng khoán đã chào bán ra công chúng, chứng chỉ quỹ của quỹ đóng, quỹ hoán đổi danh mục, chứng quyền có bảo đảm, chứng khoán phái sinh do UBCKNN chấp thuận phải được niêm yết tại SGDCK; Công cụ nợ của Chính phủ được niêm yết tại SGDCK theo đề nghị của tổ chức phát hành hoặc tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền phát hành... 

Đổi tên và bổ sung quyền của Trung tâm Lưu ký chứng khoán

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã sửa đổi tên gọi của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thành Tổng Công ty lưu ký và bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tương tự như SGDCK.

Dự thảo Luật cũng bổ sung một số quyền của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán chứng khoán Việt Nam như: Thực hiện cấp mã chứng khoán cho các loại chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán và chứng khoán của các công ty đại chúng; Xử lý vi phạm đối với thành viên theo quy chế của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; Được sử dụng các nguồn hỗ trợ thanh toán trong trường hợp thành viên mất khả năng thanh toán...