Nikkei:
Việt Nam sắp nới lỏng hạn chế sở hữu nước ngoài với lĩnh vực hàng không, ngân hàng
Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực hàng không và ngân hàng dự kiến được nâng nhưng không vượt quá 50%.
Bộ Tài chính đang soạn thảo sửa đổi Luật Chứng khoán, lần điều chỉnh lớn đầu tiên kể từ năm 2010, với ý định dỡ hạn chế sở hữu nước ngoài với các doanh nghiệp nhà nước và công ty niêm yết vào cuối năm 2019.
Kế hoạch điều chỉnh cho thấy Hà Nội mong muốn cổ phiếu Việt Nam nằm trong chỉ số MSCI thị trường mới nổi, giúp thu hút dòng vốn vào các sàn chứng khoán trong nước.
Người nước ngoài sẽ được phép sở hữu đa số cổ phiếu trong các công ty đại chúng trong những lĩnh vực không bị coi là trọng yếu với an ninh quốc gia, gồm các công ty tư nhân đã niêm yết, doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa đã hoặc chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Sửa đổi đề xuất sẽ chuyển quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài về các nhà quản lý và cổ đông công ty. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện bị giới hạn chung ở 49%, với một số lĩnh vực như hàng không và ngân hàng là 30%. Hai lĩnh vực này có thể được nâng giới hạn nhưng sẽ nằm trong danh sách gọi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện – tức chính phủ không sẵn sàng để nước ngoài kiểm soát toàn bộ.
Xóa bỏ hạn chế sở hữu “sẽ là dấu hiệu rất khuyến khích với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Quang Thuân, CEO công ty cung cấp dữ liệu tài chính Stoxplus, nói.
“Tuy nhiên, tác động sẽ vẫn hạn chế do vẫn cần có sự chấp thuận của các cổ đông tại các đại hội cổ đông thường niên nếu công ty muốn nâng tỷ lệ sở hữu cho phép lên 100%”.
Việc sửa đổi luật chứng khoán được kỳ vọng sẽ mở ra các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, quốc gia đông dân thứ 14 thế giới với hơn 92 triệu người. PwC dự báo Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới về sức mua tương đương (PPP).
“Việt Nam đang cạnh tranh với các đối thủ như Philippines và Myanmar để được chọn là điểm đến đầu tư tại châu Á, sau Trung Quốc và Thái Lan”, Junya Ishii, nhà phân tích cấp cao tại Sumitomo Corporation Global Research, một viện chính sách Nhật Bản, nói. “Mở cửa hơn với đầu tư nước ngoài sẽ cho phép họ tiếp cận công nghệ tiên tiến, giúp họ trong cuộc đua này”.
Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 23,33% cổ phiếu tại Việt Nam tính đến ngày 30/9, cao hơn so với tỷ lệ 21,6% hồi cuối năm 2017. Theo nhà chức trách Việt Nam, tổng giá trị nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ là 34,2 tỷ USD tính đến cuối tháng 7.
Việt Nam có khoảng 1.500 công ty đại chúng, trong đó khoảng 740 công ty niêm yết trên hai sàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hơn 780 công ty đại chúng niêm yết trên sàn thứ cấp hoặc chưa niêm yết.