3 nhóm biện pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước

Hoàng Hiền

Tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nước diễn ra ngày ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; không đánh đổi an sinh xã hội, môi trường sống và an ninh nguồn nước để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 khu vực châu Á-Thái Bình Dương về nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 khu vực châu Á-Thái Bình Dương về nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những tác động cộng hưởng chưa từng có của các thách thức mang tính toàn cầu như đại dịch COVID-19, thiên tai, biến đổi khí hậu, việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước, đã và đang để lại những hệ lụy to lớn và nhiều mặt cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, để chủ động ứng phó, giảm thiểu tác động tiêu cực của những thách thức này, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, bao trùm và xuyên quốc gia, nhất là quá trình phục hồi sau đại dịch thì nỗ lực của mỗi quốc gia là then chốt, quyết định và hợp tác quốc tế là quan trọng, đột phá. Đây là những vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận và giải pháp toàn cầu, tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác quốc tế và đề cao chủ nghĩa đa phương.

Đối với Việt Nam, tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm do khai thác quá mức, sự phát triển thuỷ điện quá tải ở nhiều nơi, cùng với đó là các tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định nước là nguồn tài nguyên chiến lược, cần được quản lý, khai thác, sử dụng phù hợp, an toàn, đảm bảo vệ sinh, hiệu quả để thúc đẩy phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững; bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; không đánh đổi an sinh xã hội và môi trường sống, an ninh nguồn nước để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực tham gia và đóng góp vào nỗ lực chung trên mọi cấp độ hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc và các đối tác quốc tế khác để quản lý, phát triển, bảo vệ và sử dụng bền vững và hiệu quả, cùng có lợi tài nguyên nước từ các dòng sông. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đã đề xuất 3 nhóm giải pháp trong vấn đề tài nguyên nước.

Thứ nhất, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế cởi mở, minh bạch, thực chất, cùng có lợi; cộng đồng quốc tế cùng thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết quốc tế về tài nguyên nước nhất là Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, Thỏa thuận Paris và cam kết tại COP26 về biến đổi khí hậu, Khung hành động Sendai về giảm rủi ro thiên tai.

Thứ hai, đề nghị Nhật Bản và các nước phát triển quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ các nước đang phát triển về kinh nghiệm, tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, điều tra cơ bản và quy hoạch sử dụng nước nhằm quản lý hiệu quả, khai thác bền vững và phân bổ công bằng tài nguyên nước; ưu tiên quản lý bền vững và bảo vệ các hệ sinh thái với các giải pháp thuận theo tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; bảo đảm công bằng công lý trong giải quyết các vấn đề liên quan đến nước.

Thứ ba, tăng cường hợp tác và hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, cơ chế hợp tác về quản lý lưu vực sông xuyên biên giới như Ủy hội sông Mekong quốc tế và các cơ chế hợp tác lưu vực sông khác; tập trung thúc đẩy các giải pháp toàn diện bao gồm chuyển đổi số, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh hợp tác công-tư, tăng cường quản trị nước thông minh…

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế sâu rộng; sự thống nhất về nhận thức; chia sẻ về lợi ích, trách nhiệm và quyết tâm hành động, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhất định sẽ cùng nhau nâng cao chất lượng nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, sử dụng nguồn tài nguyên nước liên quốc gia một cách công bằng, hài hòa, hợp lý, gắn kết và cùng có lợi; góp phần củng cố hợp tác, phát triển phồn vinh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.