3 vấn đề pháp lý mọi người phải biết trước khi bước qua năm 2018
Nhằm giúp các doanh nghiệp và người lao động đảm bảo quyền lợi của mình và tránh được những rủi ro pháp lý, dưới đây là 3 vấn đề cần lưu ý trước khi hết năm 2018.
1. Doanh nghiệp phải công bố mức thưởng tết cho người lao động trước này 31/12
Sở Lao động Thương binh và xã hội TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 30768/SLĐTBXH-LĐ đề nghị các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện tốt việc trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2018.
Theo đó, trước ngày 31/12/2017, doanh nghiệp phải báo cáo và công khai về các thông tin sau đây: Kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2018; Các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán (tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe,…); Thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, trả thưởng.
Đồng thời, doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2018 cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng.
2. Người lao động có thể khởi kiện nếu Doanh nghiệp không trả tiền thưởng Tết
Quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2012, thì Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tiền thưởng là khoản tiền không bắt buộc phải trả; Tuy nhiên, trường hợp giữa người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận về điều kiện thưởng (trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước tập thể lao động) thì việc trả thưởng phải thực hiện theo đúng thỏa thuận giữa hai bên.
Nếu người sử dụng lao động không trả tiền thưởng tết khi người lao động đã hoàn thành công việc, đạt đủ chỉ tiêu thì người sử dụng lao động đã vi phạm pháp luật. Do đó, người lao động hoàn toàn có quyền khởi kiện người sử dụng lao động tại Tòa án, theo thủ tục tố tụng dân sự.
3. Phạt tù 1 năm nếu người sử dụng lao động sa thải người lao động trái luật để né tiền thưởng tết
Theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 1999 về Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật thì người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Dựa theo quy định nêu trên, trường hợp người sử dụng lao động có hành vi sa thải người lao động trái pháp luật như: Sa thải vì lý do mang thai, nuôi con nhỏ, để né tiền thưởng Tết, vì động cơ cá nhân…nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bị ở tù tối đa là 1 năm.
Lưu ý, nếu việc sa thải trái pháp luật diễn ra từ ngày 01/01/2018 trở đi thì mức phạt tối đa là 3 năm, nội dung căn cứ theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015.