Quy định mới về thưởng Tết Âm lịch 2018 đối với người lao động
Các doanh nghiệp phải công bố sớm trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2018 trước ngày 31/12/2017. Đồng thời trường hợp sa thải người lao động né thưởng Tết sẽ bị phạt tù đến 3 năm.
Doanh nghiệp phải công bố thưởng Tết trước 31/12/2017
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh mới đây yêu cầu các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn quan tâm thực hiện tốt việc trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2018 trên cơ sở các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy chế của doanh nghiệp, đặc biệt không được nợ lương, nợ thưởng Tết.
Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp thông tin sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Nguyên đán năm 2018 trước ngày 31/12/2017, để người lao động rõ về các nội dung như: Tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán, thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm và thời điểm thực hiện trả lương, trả thưởng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, trả thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2018 cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường rà soát, đánh giá toàn diện việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật lao động đang được thực hiện tại doanh nghiệp, nhất là chế độ tiền lương, tiền thưởng, giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ phúc lợi đối với người lao động, tổ chức làm thêm giờ.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo các chế độ của người lao động thực hiện đúng thỏa thuận giữa các bên theo hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của đơn vị phù hợp với quy định của pháp luật về lao động.
Đây là quy định mới đáng chú ý được quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, nếu người sử dụng lao động đuổi việc người lao động để né thưởng Tết Âm lịch 2018 nói riêng và sa thải người lao động một cách trái pháp luật nói chung thì tùy vào mức độ vi phạm mà bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Ngoài mức phạt nêu trên, người sử dụng lao động phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm.
Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật.
Trường hợp người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây: Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc.
Nếu vi phạm các hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 3 năm: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát…
Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.