4.0 và bài toán nhân lực
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, giúp tăng năng suất lao động, tạo ra việc làm mới, cải tiến sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh… Tuy nhiên, cách mạng 4.0 cũng đặt ra bài toán về nguồn nhân lực và thị trường lao động đối với tất cả các quốc gia nước ta.
Công nghiệp 4.0 rất cần đội ngũ nhân lực có trình độ khoa học - công nghệ, ngoại ngữ giỏi; kỹ năng và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Ấy vậy nhưng nhìn vào hiện trạng nguồn nhân lực của nước ta không thể không lo lắng.
Đơn cử như nguồn nhân lực công nghệ thông tin, theo dự báo đến năm 2020, nước ta cần 1 triệu lao động, nhưng theo Viện Chiến lược công nghệ thông tin, tính đến thời điểm này mới chỉ khoảng trên 300 nghìn lao động. Điều đáng nói là nhân lực công nghệ thông tin không chỉ thiếu mà còn yếu về trình độ tác nghiệp. Hiện cả nước có trên 270 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành công nghệ thông tin nhưng chỉ có khoảng 15% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.
Như vậy rõ ràng, công tác đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực công nghệ thông tin nói riêng đang “có vấn đề”. Sâu xa hơn là nguồn nhân lực của ngành được coi là chủ lực của cách mạng 4.0 của nước ta trong vài năm tới khó có thể đáp ứng nhu cầu, nếu không có giải pháp giải quyết ngay từ bây giờ.
Công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động không chỉ về trình độ chuyên môn mà còn cần giỏi ngoại ngữ. Và để “đón đầu” nhu cầu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho ra đời Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008 - 2020” được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án là hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, có thể sử dụng độc lập và tự tin, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.
Thế nhưng, thật đáng buồn sau gần 10 năm triển khai, xem ra kết quả thu được chẳng được là bao nhiêu. Minh chứng là, kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, 69% bài thi môn tiếng Anh điểm dưới trung bình. Con số này năm 2016 là hơn 84% thí sinh, với trung vị điểm số là 3.
Bên cạnh nỗi lo thiếu nhân lực lao động trình độ cao, cách mạng 4.0 sẽ là cuộc “thanh lọc” lao động. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa cao nhất, chiếm tới gần 70% vị trí việc làm.
Ước tính 86% lao động trong ngành dệt may - da giày và 75% lao động trong ngành điện tử của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa cao do những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật.
Thực tế, cách mạng 4.0, không chỉ “đe dọa” việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là kỹ năng sáng tạo.
Như vậy, rõ ràng, lao động giá rẻ không còn là lợi thế khi chi phí của việc áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học đang giảm. Theo đó, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người lao động thì sẽ có một lượng lớn lao động nước ta bị “văng” khỏi guồng quay sản xuất.
Mặt khác, nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng nhu cầu cách mạng 4.0, chúng ta sẽ bị tụt hậu trên bước đường phát triển và hội nhập.