4 nguyên nhân khiến nhà ở xã hội cho công nhân còn bỏ ngỏ

Theo Hải Nam/reatimes.vn

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, tỷ lệ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân chỉ đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch đề ra. Con số này cho thấy nguồn cung nhà ở xã hội dành cho công nhân đang khan hiếm trầm trọng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân nhận được sự quan tâm lớn từ các cơ quan chức năng song đến nay bài toán này vẫn đang trong quá trình thực hiện đầy nan giải.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 202 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng 7.342.969m2 sàn; trong đó đã hoàn thành 111 dự án với quy mô xây dựng 2.301.909m2 sàn, đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.041.060m2 sàn nhà ở. Trong khi đó, lượng công nhân trên cả nước ước tính 4,8 triệu người. Hơn 70% công nhân đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây.

Liên quan đến kết quả thực hiện nhà ở xã hội đang ở mức thấp, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra có 4 nguyên nhân chính khiến việc triển khai nhà ở xã hội cho công nhân gặp nhiều trở ngại.

Thứ nhất, nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân thiếu. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020).

Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội cũng chưa có.

Thứ hai, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Thực tế nhiều địa phương đã chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật.  Đặc biệt, vấn đề thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cũng còn bỏ ngỏ.

Thứ ba, một số doanh nghiệp địa ốc không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân cho chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.

Thứ tư, những công nhân lao động đa phần gặp nhiều khó khăn về kinh tế, chưa đủ lực tài chính để mua nhà.

Trước khó khăn này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang tích cực trong công tác hoàn thiện thể chế. Cụ thể, Bộ Xây dựng đang hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tích cực tạo nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở công nhân từ nguồn lực tài chính đến nguồn lực từ tổ chức công đoàn.

Liên quan đến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, Bộ Xây dựng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu.