4 rủi ro khi mua hàng xách tay
(Tài chính) Không phải món hàng ngoại xách tay nào cũng tốt, giá hợp lý, ngay cả những người rành mua cũng rất dễ bị mất tiền oan.
Hàng giả
Hàng xách tay là nhóm hàng nhập khẩu không chính thức, không phải chịu thuế vì thế người tiêu dùng khó nắm biết được xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Hàng này có thể được thu gom ở nhiều nơi, qua nhiều trung gian khác nhau trước khi đưa về nước. Nhiều lúc, người bán hàng cam kết nhập hàng từ Mỹ nhưng không ít món đồ có xuất xứ từ Trung Quốc. Do vậy, nếu không am hiểu và tinh ý sẽ mua phải hàng không đúng nguồn gốc. Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần mua ở những địa chỉ đáng tin cậy, kiểm tra nhãn mác của đơn vị sản xuất kỹ càng và so sánh đặc điểm nhận biết với hàng chính gốc.
Ngoài nguy cơ hàng giả, sản phẩm “xách tay” do không được bảo quản, vận chuyển đúng quy trình, đặc biệt là hàng thực phẩm nên chất lượng có thể bị ảnh hưởng. Chị Hạnh, ở quận 2, TP HCM chia sẻ, chị từng mua sữa xách tay của một người bạn ở nước ngoài mang về, nhưng khi thấy những dấu hiệu lạ trong hộp sữa chị đã làm việc lại với người bán. Tuy nhiên, vì là hàng xách tay nên ngay cả người bán cũng không biết cách nào để đổi hàng và kiến nghị ai. Cho nên, theo kinh nghiệm của chị Hạnh, cả người bán và người mua hãy thận trọng và chỉ nên chọn mặt hàng kém rủi ro nhất.
Không được bảo hành
Đây cũng chính là yếu tố khác biệt giữa hàng chính hãng và xách tay, khiến người dùng phải chịu rủi ro rất cao. Nếu may mắn chọn được món hàng tốt thì không sao, ngược lại, mua phải món hàng bị lỗi sẽ rất khó trả hàng. Người dùng sẽ không được hưởng chế độ bảo hành theo quy định tại Việt Nam, mà chỉ được cam kết bảo hành tại chính cửa hàng bán ra, thời gian bảo hành tùy thuộc vào từng cửa hàng, thậm chí có những nơi không hề bảo hành. Mặt khác, dù được cam kết đổi hàng, cũng phải đợi trong một thời gian dài. Nếu sửa chữa và thay linh kiện, người mua cũng khó biết được nguồn hàng có chất lượng hay không.
Sản phẩm sắp hết hạn
Thông thường, khi kinh doanh đa phần người bán luôn muốn mua được món hàng có thương hiệu với giá rẻ. Do đó, vì ham lãi cao họ dễ gom những sản phẩm giá rẻ mà không để ý quá nhiều đến hạn sử dụng. Nhiều món hàng được gom vào các mùa đại hạ giá, có khi rẻ bằng 1/3 giá bán ban đầu. Chính vì vậy, rất nhiều sản phẩm xách tay có hạn sử dụng còn ngắn, nếu không tinh ý hoặc không để ý đến yếu tố này người mua dễ dàng mất tiền oan khi mua hàng, đặc biệt là mỹ phẩm.
Chi Hoa, ở quận Bình Thạnh cho biết, chị rất thích mua son môi ngoại, tuy nhiên vì không xem rõ hạn sử dụng, thương hiệu cũng như chất lượng nên chị đã mua phải hàng dạt giá rẻ, hạn dùng chỉ còn vài tháng, mất oan 400.000 đồng. Do vậy, theo chị Hoa, để mua hàng xách tay tốt, giá hợp lý nên đến địa chỉ quen thuộc, không nên “đánh liều” với những sản phẩm không biết rõ thương hiệu cũng như hạn sử dụng.
Dễ bị tráo đổi linh kiện
Đối với các mặt hàng điện tử, đặc biệt là những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, rất hay bị tráo đổi linh kiện. Nhiều sản phẩm còn được ngụy trạng đẹp mắt hơn cả hàng chính hãng nên khi mua nhầm thiết bị bị tráo linh kiện rất dễ gặp lỗi và mất độ ổn định.
Anh Hùng, một người rất thích chụp hình và cũng có chút kiến thức về máy hình. Mới đây anh quyết định mua một chiếc máy chuyên nghiệp, giá 35 triệu đồng. Ban đầu anh Hùng tính lên chính hãng để mua, nhưng sau đó đã đổi ý vì tình cờ thấy một công ty quảng cáo trên mạng bán đúng loại máy hình mà anh đang cần, giá chỉ 31,5 triệu đồng. Qua trao đổi, phía công ty cho biết sở dĩ có giá thấp hơn 3,5 triệu đồng vì đây là hàng xách tay, nhưng phía công ty cam kết chất lượng máy, cũng như có chế độ bảo hành đầy đủ.
Để yên tâm, anh Hùng rủ một nhiếp ảnh gia lâu năm đi cùng để xem máy. Khi kiểm tra, anh thấy máy còn nguyên tem và mới tinh. Đến khi chuyển sang cho người bạn xem xét, một lúc sau nhiếp ảnh gia này ghé tai nói nhỏ anh Hùng không nên mua.
Theo người bạn này, nhìn bề ngoài máy hoàn toàn mới, lịch sử sử dụng máy cũng chưa có. Nhưng chỉ bằng một số thao tác và kinh nghiệm riêng, nhiếp ảnh gia này nhận ra máy đã qua sử dụng, lịch sử sử dụng cũng đã được chỉnh và được tân trang rất khéo.
"Không chỉ làm mới máy, nhiều linh kiện còn bị thay thế bằng hàng Trung Quốc hoặc là linh kiện cũ đã qua sử dụng", anh Hùng cho biết sau khi đã tự mình tìm hiểu các chiêu trò trong lĩnh vực máy ảnh.