4 sự kiện kinh tế - tài chính toàn cầu tuần từ 15-20/8/2016

PV.

Tuần qua, kinh tế - tài chính toàn cầu tiếp tục có những diễn biến khá phức tạp với những sự kiện nổi bật như: Eurozone tăng trưởng thấp kỷ lục, các ngân hàng trung ương nước ngoài bán tháo trái phiếu, FED giữ nguyên lãi suất, nhu cầu ngoại tệ của Trung Quốc tăng mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Eurozone tăng trưởng thấp kỷ lục

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong quý II/2016 đạt 0,3% - mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua; o cùng kỳ năm 2015, kinh tế Eurozone quý II tăng trưởng 1,6%, thấp hơn mức tăng trưởng của quý 1 là 1,7%.

Xu hướng giảm tốc tăng trưởng sẽ kéo dài đến hết năm 2016 do ảnh hưởng của sự kiện Brexit.

Các ngân hàng trung ương nước ngoài bán tháo Trái phiếu

Trong 6 tháng đầu năm 2016, các ngân hàng trung ương nước ngoài đã bán ròng 192 tỷ USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, nhiều hơn 2 lần mức bán ròng 83 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2015 và là đợt bán tháo mạnh nhất kể từ năm 1978.

Trong đó, ngân hàng trung ương của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Brazil và Columbia có doanh số bán mạnh nhất. Việc nhiều nước bán ra trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ được xem là xuất phát từ nhu cầu tiền mặt để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ trong trường hợp đồng nội tệ mất giá.

Fed giữ nguyên lãi suất

Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) ngày 17/8 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25 - 0,5% và nhận định những rủi ro ngắn hạn đối với nền kinh tế nước này đã giảm bớt. Các thị trường tài chính đã dần ổn định sau những xáo trộn do Brexit gây ra.

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến trái chiều về lạm phát, khi chỉ số này trong 4 năm qua luôn ở dưới mức mục tiêu 2%, cho thấy khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 9 là thấp.

Sau thông báo của Fed, trên thị trường London, chỉ số đồng USD ngày 18/8 so với giỏ tiền tệ chủ chốt đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/6 (diễn ra sự kiện Brexit).

Nhu cầu ngoại tệ của Trung Quốc tăng mạnh

Lượng ngoại tệ bán ròng của các ngân hàng Trung Quốc trong tháng 7/2016 tăng gần 150% lên 31,7 tỷ USD, so với mức bán ròng 12,8 tỷ USD trong tháng 6.

Trong đó, các ngân hàng Trung Quốc đã bán 143 tỷ USD ngoại tệ và mua 111,3 tỷ USD ngoại tệ cho thấy, nhu cầu đối với các ngoại tệ mạnh tại nước này đang gia tăng trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá.