4 tháng, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành
Đến hết tháng 4/2019, các bộ, ngành đã trình, ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm 3.425/6.191điều kiện kinh doanh; Ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.
Báo cáo tại Hội nghị giao ban trực tuyến về kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục hành chính (TTHC), một cửa, một cửa liên thông 4 tháng đầu năm 2019 do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 14/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, qua 4 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính rất quyết liệt trong sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay đã sửa đổi 9 văn bản quy phạm pháp luật. Thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành, giảm hơn 12.000 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhiều mặt hàng chuyển sang hậu kiểm.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai chia sẻ, việc cải cách TTHC tại Bộ Tài chính cũng bước đầu đáp ứng sự mong đợi người dân; Bộ phận một cửa được triển khai đã tạo ra sự minh bạch, hiệu quả, giảm chi phí thời gian cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện cho người dân không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, tiến tới việc giải quyết TTHC ở mức độ 4 sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, nâng cao năng suất lao động và việc bố trí cán bộ.
Theo Văn phòng Chính phủ, tính đến cuối tháng 4/2019, có 19/23 bộ, cơ quan, 54/63 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021.
Đối với việc tổ chức, kiện toàn bộ phận một cửa, đến nay, 100% văn phòng bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Ở cấp tỉnh, đã có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết TTHC. Đa số các địa phương đã nâng cấp Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.
Đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đến hết quý I/2019, các địa phương đã thực hiện cung cấp 42.127 dịch vụ; các bộ, ngành thực hiện 1.709 dịch vụ.
Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, phê duyệt phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo thuộc phạm vi thẩm quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Đến hết tháng 4/2019, các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 ĐKKD; đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm ĐKKD, TTHC, một cửa, một cửa liên thông 4 tháng đầu năm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng.
Chẳng hạn, nhiều bộ, cơ quan, địa phương ban hành Kế hoạch chưa kịp thời, chế độ thông tin báo cáo thực hiện chưa nghiêm. Cụ thể, hết tháng 4/2019, Văn phòng Chính phủ mới nhận được báo cáo quý I của 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 40/63 địa phương; trong đó nhiều báo cáo gửi chậm so với yêu cầu. Hay Nghị quyết giao các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, bãi bỏ, chấm dứt việc quy định thủ tục hành chính trong công văn hướng dẫn, hoàn thành trong quý I/2019. Tuy nhiên cho đến nay, Văn phòng Chính phủ chưa nhận được thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ này của các bộ, cơ quan.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trước ngày 20/5/2019 phải hoàn thành việc công bố, công khai ĐKKD, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành sau cắt giảm trên tinh thần đúng hạn và thực chất, không bị phát sinh thêm điều kiện.
Trong quý II/2019, Văn phòng Chính phủ đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương.
Trong đó lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra đối với cải cáchTTHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đối với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương kiện toàn bộ phận một cửa các cấp, ban hành quy trình nội bộ giải quyết TTHC để làm cơ sở thiết lập quy trình điện tử trên hệ thống thông tin một cửa điện tử; đốc thúc tổ chức thực hiện các nhóm nhiệm vụ đã quá thời hạn nhưng chưa hoàn thành hoặc có thời hạn hoàn thành trong quý II/2019.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã cắt giảm hàng nghìn ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Nhờ đó, năm 2017 Việt Nam đã tiết kiệm 4.000 tỷ đồng; năm 2018 tiết kiệm 6.300 tỷ đồng.