Kiểm tra chuyên ngành - một cửa vẫn chưa liên thông

Theo Chế Hân/saigondautu.vn

Những cải tiến thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan của Bộ Tài chính thời gian qua đã được các tổ chức thế giới đánh giá cao, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thời gian kiểm tra chuyên ngành giúp doanh nghiệp ít tốn chi phí kho bãi, giải phóng hàng nhanh.
Thời gian kiểm tra chuyên ngành giúp doanh nghiệp ít tốn chi phí kho bãi, giải phóng hàng nhanh.

Thế nhưng, đối với những hàng hóa đặc thù, phải qua kiểm tra chuyên ngành thì lại là rào cản, sinh ra nhiều “giấy phép con” khiến doanh nghiệp vẫn gặp khó với những chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Nếu “một cửa” mà các ngành chức năng không cử người phối hợp với hải quan trong kiểm tra chuyên ngành thì rõ ràng một cửa nhưng chưa liên thông!

“Liên” nhưng chưa “thông”

Việc thông quan đối với một số mặt hàng cần có sự kiểm tra chặt chẽ của nhiều bộ ngành - việc mà doanh nghiệp gọi là “giấy phép con” - trở thành vấn đề nóng bỏng, gây khó cho doanh nghiệp và trái với nguyên tắc “Một cửa quốc gia”. Mặc dù “Một cửa quốc gia” đã được thực hiện nhiều năm qua, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều bộ, ngành chưa tham gia, trong khi các cơ quan này vẫn giữ quyền kiểm tra chất lượng và cấp chứng từ (giấy) để tạo thế độc tôn cho mình.

Hiện nay, việc quy định thời hạn thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng chưa được đầy đủ, cụ thể… nên là mảnh đất màu mỡ cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành nhũng nhiễu doanh nghiệp và gây ách tắc cho cơ quan hải quan.

 Ngoài ra, việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng chưa cao, nhiều văn bản pháp quy của bộ ngành đặt ra các quy định khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện. Cụ thể, các văn bản quản lý chất lượng hàng hóa đã phát sinh không ít vướng mắc khi thực thi. Như Nghị định 108/2017/NĐ-CP quy định “Tổ chức, cá nhân có phân bón đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu…”, trong khi việc quản lý, kiểm tra đối tượng được ủy quyền chưa có quy định cụ thể nên khó khăn trong thực hiện.

Do vậy, Bộ Tài chính đã phải gửi văn bản đề nghị các bộ ngành liên quan ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể hơn về việc ủy quyền nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện; trong đó, quy định cụ thể về đối tượng được ủy quyền, số lượng hàng hóa được ủy quyền để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý, tránh trường hợp gian lận nhập khẩu không đúng nội dung được ủy quyền.

Thông tư 07/2018/TT-BCT của Bộ Công thương cũng vậy, cơ quan hải quan cũng gặp vướng mắc trong cách hiểu sản phẩm dệt may có phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam hay không. Về quy định nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ kiểm tra nhà nước về chất lượng thép theo Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu thép nhưng trong thỏa thuận mua bán không đề nghị phía nước ngoài cung cấp C/O thì không biết phải xử lý thế nào.

Ngoài ra, một tình trạng chung là thời hạn thông báo kết quả kiểm tra chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành nên các cơ quan chuyên ngành có thể làm chậm, gây kéo dài thời gian thông quan. Điều đó dẫn đến hệ lụy doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí lưu kho bãi, mà tăng chi phí thì sẽ giảm tính cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp bị phạt đền hợp đồng do giao hàng hóa chậm trễ. 

Đó là lý do, qua khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện, thì phần lớn doanh nghiệp không đánh giá tốt trong thủ tục thông quan đối với hàng kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ đánh giá ở mức bình thường lên đến 60% -70%, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá các thủ tục dễ thực hiện không nhiều, chỉ khoảng 15% - 27%.

Cần cử người tham gia “Một cửa”

Để thuận tiện cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa phải qua kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giải pháp giải quyết các vướng mắc, khơi thông, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, để giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh chóng, có nguyên liệu kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí qua việc kiểm tra chất lượng, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, kiến nghị với các bộ ngành nhiều nội dung liên quan lĩnh vực kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Trước hết là ưu tiên áp dụng quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chất lượng, chỉ thực hiện kiểm tra xác suất đối với một số lô hàng bất kỳ, miễn kiểm tra các lô hàng cùng loại, có cùng nhà sản xuất, cùng nhà cung cấp và đã được kiểm tra ở các lô hàng nhập khẩu trước đó đạt chất lượng. Đồng thời, đối với hàng hóa phải chịu điều chỉnh của nhiều bộ ngành, mỗi đơn vị lại có rất nhiều văn bản hướng dẫn, do vậy Bộ Khoa học và Công nghệ cần kiến nghị Chính phủ giao cho một bộ chủ trì thực hiện, bộ này sẽ nghiên cứu, thống nhất lại thành một văn bản điều chỉnh chung để doanh nghiệp thực hiện thống nhất.

Ngoài ra, cần rút ngắn tối đa thời gian ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng. Đặc biệt cần có quy định chế tài đối với các trường hợp cơ quan kiểm tra chất lượng ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng chậm trễ so với thời hạn quy định của pháp luật. Khi có kết quả kiểm tra chất lượng hoặc không thể kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn quy định thì cơ quan kiểm tra chất lượng phải thông báo ngay cho cơ quan hải quan, doanh nghiệp biết.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành hoặc thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng cần nêu rõ tên hàng, hình thức và điều kiện quản lý chuyên ngành cụ thể rõ ràng, thủ tục quy định đơn giản; hạn chế ràng buộc hoặc giới hạn doanh nghiệp phải đăng ký kiểm tra chất lượng một nơi nhất định, mà có thể mở rộng nhiều nơi đăng ký để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, chống độc quyền, gây khó dễ cho doanh nghiệp.