4 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc duy trì đà tăng tích cực chỉ số sản xuất công nghiệp

Mai Phương

Sản xuất công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 mặc dù phải chịu tác động từ chính sách thương mại quốc tế.

Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025.
Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025.

Theo số liệu công bố của Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,15% so với tháng trước và tăng 14,39% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, ước tính IIP tăng 13,36%, cao hơn mức tăng 9,13% cùng kỳ năm 2024.

Như vậy, so với cùng kỳ, ngành Khai khoáng giảm 41,89%; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,45%; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,03%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,39%.

Đối với các ngành công nghiệp chủ lực tháng 4/2025 và 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ, ngành Sản xuất linh kiện điện tử tăng mạnh nhờ đa dạng hóa thị trường và nhiều dự án mới vào hoạt động (tháng 4/2025 tăng 27,37%, lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 15,30%); ngành Sản xuất ô tô duy trì ổn định nhờ sức mua cải thiện (giảm 0,27% trong tháng 4 và tăng 16,28% trong 4 tháng đầu năm); ngành Sản xuất xe máy gặp khó khăn do cầu tiêu dùng yếu và cạnh tranh từ xe điện nên sản xuất giảm (giảm 19,52% trong tháng 4 và tăng 0,06% trong 4 tháng); ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng mạnh nhờ duy trì đơn hàng xuất khẩu và cải tiến công nghệ (tăng 18,46% trong tháng 4 và tăng 34,12% trong 4 tháng đầu năm)...

Các sản phẩm sản xuất chủ yếu trong tháng 4, ngoài gạch ốp lát và xe máy các loại có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm chủ yếu còn lại đều có sản lượng tăng. Tính chung 4 tháng đầu năm, ước tính sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Vĩnh Phúc như: thức ăn gia súc, giày thể thao, gạch ốp lát, doanh thu linh kiện điện tử, xe ô tô các loại đều tăng so với cùng kỳ; riêng sản lượng xe máy các loại giảm với mức giảm 1,42%.

Liên quan đến chỉ số chỉ số tồn kho ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, trong tháng 4, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo Vĩnh Phúc có chỉ số tồn kho giảm 7,44% so với tháng trước và giảm 16,64% so với cùng kỳ.

So với tháng trước, 9 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tồn kho tăng, 8 ngành có chỉ số tồn kho giảm, riêng ngành Sản xuất kim loại có chỉ số tồn kho không thay đổi.