Vĩnh Phúc đồng hành cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Mai Phương

Với tinh thần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 15/4, Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với các doanh nghiệp về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với các doanh nghiệp về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ của tỉnh Vĩnh Phúc
Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với các doanh nghiệp về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ của tỉnh Vĩnh Phúc

Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ của các doanh nghiệp trên địa bàn làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đạt 547,1 triệu USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; trong quý I năm 2025 đạt 125,6 triệu USD, chiếm 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm linh kiện xe máy, hàng may mặc, mũ bảo hiểm, giày dép các loại, thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử...

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị.

Theo đánh giá của Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc, khi mức thuế đối ứng 46% được áp dụng sẽ làm giá thành sản phẩm của Việt Nam nói chung và của Vĩnh Phúc nói riêng tại thị trường Hoa Kỳ tăng lên, làm giảm tính cạnh tranh so với hàng hóa từ các quốc gia khác, dẫn đến giảm sút kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế đối ứng cao khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng trở nên kém hấp dẫn hơn; đồng thời, tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thị trường lao động. Khảo sát từ Ban Quản lý các khu công nghiệp, toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, 49 doanh nghiệp chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế mới.

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá về các tác động từ chính sách thuế đối ứng.
Đại diện Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá về các tác động từ chính sách thuế đối ứng.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã phân tích, đánh giá các tác động từ chính sách thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành lĩnh vực và doanh nghiệp; đồng thời, trao đổi, chia sẻ giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và dài hạn; kiến nghị, đề xuất với Trung ương và tỉnh các giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đang xúc tiến các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về vấn đề thuế quan. Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu cao nhất, phấn đấu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.

Theo đó, để thực hiện được mục tiêu này, các sở, ngành, địa phương cần chủ động tham mưu triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các chính sách vĩ mô trên địa bàn tỉnh, nhất là các chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc, rào cản tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ.

Đồng thời, phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua các hoạt động thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử và triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại.

Tổ chức triển khai hiệu quả, thực chất hơn các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đã ban hành; tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, quan tâm xây dựng lực lượng lao động có năng lực, chất lượng cao.

Đại diện Công ty TNHH Compal Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Đại diện Công ty TNHH Compal Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Đảm bảo cung ứng đủ điện, nước cho sản xuất; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư mới và giữ chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại tỉnh.

Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị cần tin tưởng vào sự lãnh đạo, ngoại giao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; không hoang mang, giữ vững bản lĩnh, trí tuệ, bình tĩnh xử lý chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, nắm chắc tình hình để ứng phó phù hợp hiệu quả; sớm làm quen và chuyển từ trạng thái “thuế nhập khẩu nguyên liệu cao” sang “thuế nhập khẩu thành phẩm cao”.

Đồng thời, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, vừa chuyển đổi mạnh sang sản xuất theo hình thức FOB để các khách hàng cùng chia sẻ về thuế; chủ động đàm phán với các nhà nhập khẩu để chia sẻ gánh nặng về thuế; minh bạch xuất xứ hàng hóa, xây dựng quy trình quản lý nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, tránh phụ thuộc nguyên liệu vào một số ít quốc gia.

Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế; tăng cường phân phối hàng hóa qua nền tảng thương mại điện tử; cải thiện quy trình sản xuất, chủ động chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ; tăng cường liên kết chuỗi cung ứng nội địa.

Chủ tịch Trần Duy Đông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ thẳng thắn, kiến nghị, tham mưu kịp thời trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành liên quan khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, chính sách thuế, bảo đảm tính minh bạch trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.