5 cuộc bầu cử định hình tương lai
Năm nay, nhiều nước trên thế giới sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng, không chỉ quyết định việc đi hay ở của lãnh đạo quốc gia mà còn có ý nghĩa định hình tương lai khu vực.
Tháng 3/2017: Bầu cử Nghị viện Hà Lan
Hà Lan sẽ mở màn cho mùa bầu cử ở lục địa già, với cuộc bầu cử lập pháp dự kiến được tổ chức vào ngày 15/3 tới. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là liệu có xảy ra kịch bản “Nexit” - Hà Lan rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay không? Lãnh đạo đảng Tự do (PVV), chính đảng lớn thứ ba ở Hà Lan, Geert Wilders đã tuyên bố, sẽ rút Hà Lan khỏi EU nếu PVV giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện sắp tới.
Trong các cuộc thăm dò gần đây, PVV đã liên tục vươn lên dẫn trước đảng Nhân dân tự do và dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte. Theo kết quả thăm dò cuối tháng 11 do Đài truyền hình quốc gia Hà Lan NOS công bố, PVV có thể giành được từ 27 đến 31 ghế trong Nghị viện gồm 150 ghế (tương đương khoảng 18-21% số phiếu). Trong bối cảnh cơ hội dành cho ông Wilders ngày càng tăng, dự báo kết quả bầu cử ở Hà Lan có thể là cú shock tiếp theo đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và EU.
Tháng 4/2017: Bầu cử Tổng thống Pháp
Sau bầu cử Tổng thống Mỹ, dư luận đang dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, sẽ được tổ chức 2 vòng vào tháng 4, tháng 5 tới. Giới quan sát cho rằng, sau bất ngờ từ kết quả trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit cũng như chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016, các ứng cử viên Tổng thống Pháp không thể chủ quan trước tâm trạng bất an và những mối quan tâm lớn của cử tri.
Năm qua, Pháp đã phải trả giá đắt cho sự tham gia tích cực trong các cuộc chiến chống khủng bố, lực lượng Hồi giáo cực đoan và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Các vụ tấn công khủng bố xảy ra liên tiếp ở Paris và Nice không chỉ gây hoang mang, sợ hãi trong dân chúng mà còn khiến các chính đảng truyền thống thất thế. Đảng cánh hữu Mặt trận Dân tộc của bà Marine Le Pen, chủ trương “bài” người nhập cư, người theo đạo Hồi và chống EU, lại được hưởng lợi từ làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao không chỉ riêng ở Pháp mà nhiều nơi khác trên thế giới.
Sau các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra hồi tháng 11, cựu Thủ tướng Francois Fillon đã trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Pháp, cạnh tranh với ứng cử viên nổi trội khác là Le Pen. Các cuộc thăm dò cho thấy, bà Le Pen có thể bị đánh bại ở vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống. Song, nếu giành chiến thắng, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc cam kết, sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về quy chế thành viên EU của Pháp.
Là nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu về quy mô và cũng là đầu tàu quan trọng của khối EU, kết quả bầu cử Tổng thống Pháp sẽ ảnh hưởng lớn tới vận mệnh của liên minh này.
Tháng 5/2017: Bầu cử Tổng thống Iran
Thời gian gần đây, xu hướng chống lại các lực lượng chính trị truyền thống gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng lại không phải là vấn đề đối với Iran. Danh sách ứng cử viên Tổng thống Iran phải được sự phê chuẩn của Hội đồng Giám hộ, cơ quan gồm 12 thành viên có chức năng bảo đảm các vấn đề chính trị của đất nước phù hợp với luật đạo Hồi. Hơn nữa, ở quốc gia này, Đại giáo chủ Ali Khamenei là người có quyền quyết định tối cao trong mọi việc.
Dẫu vậy, cuộc bầu cử được ấn định tổ chức vào ngày 22.5 tới sẽ là phép thử đối với ông Rouhani, Tổng thống theo đường lối ôn hòa và chủ trương cải cách. Mặc dù được đánh giá là ứng cử viên Tổng thống tiềm năng và có nhiều lợi thế, nhưng ông cũng đối mặt với không ít trở ngại.
Các nhà phân tích cho biết, thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và phương Tây cho đến nay chưa mang lại nhiều lợi ích như mong đợi, nhất là về kinh tế. Kết quả của cuộc thăm dò do Đại học Maryland, Mỹ, tiến hành cho thấy, ¾ số người Iran tham gia cho hay, điều kiện sống chưa được cải thiện.
Theo kết quả thăm dò được tiến hành năm 2015, ngay sau khi Tehran ký kết thỏa thuận hạt nhân toàn diện với nhóm P5+1, trong 10 người Iran được hỏi thì có ít nhất 6 người đánh giá ông Rouhani “rất được ủng hộ”. Thế nhưng, đến nay, trong 10 người thì chỉ có 4 người đánh giá như vậy. Các nhà quan sát quốc tế cũng cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Iran tới đây sẽ quyết định mức độ “thiện chí” của Tehran trong các chính sách đối với phần còn lại của thế giới.
Tháng 10/2017: Bầu cử Nghị viện Liên bang Đức
Cuộc bầu cử Liên bang Đức sẽ diễn ra vào tháng 10/2017 nhằm bầu ra các thành viên Bundestag (Nghị viện Liên bang Đức). Cuộc bầu cử này sẽ quyết định ai sẽ lên làm Thủ tướng trong nhiệm kỳ tới. Theo nhận định chung của các chuyên gia, EU chắc chắn sẽ không thể tồn tại nếu Đức ra đi, hoặc rời khỏi vị trí lãnh đạo liên minh này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà lãnh đạo quyền lực nhất và cầm quyền lâu nhất ở châu Âu, được coi như điểm tựa của EU trong quá trình hội nhập khu vực, sau một thập kỷ đầy biến động và khủng hoảng. Mặc dù bà đầm thép đã công bố quyết định tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 4, song tình hình hiện nay được đánh giá là không có lợi cho bà.
Trong các cuộc bầu cử cấp vùng ở Đức diễn ra trong năm vừa qua, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel đã liên tục thất bại, trong khi đảng dân túy cánh hữu Giải pháp cho nước Đức (AfD) giành được nhiều thắng lợi nhất kể từ khi thành lập vào năm 2013, có 10/16 ghế trong cơ quan lập pháp cấp bang. AfD được dự báo sẽ là nhân tố bất ngờ trong cuộc bầu cử liên bang.
Tháng 12/2017: Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc
Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 20/12. Tuy nhiên, vụ bê bối liên quan đến người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye, bà Choi Soon-sil, đã không chỉ làm chao đảo chính trường Hàn Quốc, mà có thể còn làm đảo lộn kế hoạch bầu cử ở nước này.
Đầu tháng 12/2016, Nghị viện Hàn Quốc đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park, buộc nhà lãnh đạo này bị tạm đình chỉ chức vụ trong khi Tòa án Hiến pháp xem xét kiến nghị và đưa ra phán quyết trong vòng 180 ngày kể từ sau bỏ phiếu của cơ quan lập pháp. Nếu có ít nhất 6 trong 9 thẩm phán của Tòa ủng hộ kiến nghị trên, bà Park sẽ bị bãi nhiệm và cuộc bầu cử Tổng thống mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày, theo Hiến pháp.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn tiếp diễn, nhằm kêu gọi Tổng thống từ chức. Các chuyên gia an ninh cho rằng, việc sớm tổ chức bầu cử Tổng thống là giải pháp tốt nhất cho Hàn Quốc, nhằm ổn định tình hình trong nước, ngăn chặn mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon được kỳ vọng là ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc sáng giá, sau khi ông tỏ ý sẵn sàng chạy đua vào vị trí này trong cuộc bầu cử tới. Kết quả cuộc thăm dò của Real Meter công bố ngày 22/12/2016 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Ban đã tăng lên 23,1%, vượt qua cựu lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Moon Jae-in, được 22,2% ủng hộ. Theo sau 2 ứng viên trên là Thị trưởng Seongnam, Lee Jae-myung, với 11,9% ủng hộ và cựu lãnh đạo đảng Nhân dân, Ahn Cheol-soo, với 8,6% ủng hộ.