5 “điểm nhấn” hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách nước ngoài
(Tài chính) Với mục tiêu thúc đẩy sức mua và tạo sức hút để khách du lịch quay trở lại, không ít quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với khách nước ngoài. Riêng ở nước ta, sau 11 tháng triển khai thí điểm, việc thực hiện hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài theo Quyết định 05/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều dấu hiệu tích cực.
Theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, ngành công nghiệp du lịch có vài trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cụ thể như thu ngoại tệ cho đất nước, góp phần tăng trưởng GDP, tạo động lực cho các ngành khác phát triển cùng với du lịch như thương mại, giao thông vận tải, xây dựng…
Trong những năm qua, ngành Du lịch đã có sự phát triển tương đối nhanh. Nếu như năm 1995 du lịch chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP 3,21% thì đến năm 2012 du lịch đã đóng góp vào GDP gần 6%. Trong chiến lược phát triển ngành Du lịch đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt 10 - 10,5 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch khoảng 18-20 tỷ USD.
Để thực hiện được mục tiêu này, việc hoàn thuế GTGT cho khách nước ngoài là một trong những giải pháp quan quan trọng, qua đó giúp nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam, quảng bá văn hoá dân tộc, đặc biệt là khuyến khích khách du lịch tăng chi tiêu, mua sắm tiêu dùng hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.
Ngoài ra, trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh đang đình trệ, việc du khách nước ngoài tăng mua các hàng hóa Việt Nam sẽ kích thích sản xuất phát triển, giải quyết đầu ra, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động này cũng được coi là “xuất khẩu hàng hóa tại chỗ” mà không phải tốn kém chi phí đầu tư và nguồn lực cho việc tìm kiếm thị trường như phương thức xuất khẩu truyền thống.
Du khách quốc tế đánh giá cao
Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1,8 triệu lượt người, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2012; khách đến vì công việc 500,5 nghìn lượt người, giảm 1,6%; thăm thân nhân đạt 494,3 nghìn lượt người, giảm 5,4%.
Nhiều ý kiến cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian qua một phần nhờ chính sách hoàn thuế GTGT. Quả thực, sau thời gian triển khai, nhiều du khách quốc tế đã đánh giá rất cao những lợi ích mà chính sách này đem lại cho họ.
Ông Frank, một khách du lịch Anh đến Hà Nội cho biết: “Tôi chỉ mới đến Việt Nam và biết được chính sách này qua lời một người bạn đã từng được thực hiện hoàn thuế trước đây. Tôi nghĩ cũng sẽ tận dụng những lợi ích của chính sách này trước khi trở về nước. Tôi đánh giá cao chính sách này bởi nó đã tạo một tâm lý thoải mái cho khách du lịch, giúp chúng tôi tiết kiệm được chi phí mua hàng, cũng như khuyến khích chúng tôi tiêu thụ nhiều hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Điều tôi cũng như nhiều du khách quốc tế khác quan tâm là quy trình, thủ tục thực hiện phải đơn giản, thuận tiện”.
Số lượng khách quốc tế hoàn thuế tăng dần
Tại 2 điểm hoàn thuế là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong 3 tháng đầu tiên triển khai, số lượng khách đến hoàn thuế còn ít. Theo đó, tính đến cuối tháng 12/2012 có hơn 1,5 nghìn lượt người nước ngoài được hoàn thuế với tổng trị giá hàng được hoàn thuế là 56,091 tỷ đồng, tổng số tiền thuế GTGT đã hoàn là 4,365 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lượng khách hoàn thuế đã tăng dần trong những tháng gần đây. Tính đến cuối tháng 5/2013 đã có hơn 3,7 nghìn lượt khách xuất cảnh được hoàn thuế GTGT với trị giá hàng được hoàn thuế là hơn 153,7 tỷ đồng, tương đương với số tiền thuế GTGT đã hoàn là gần 12 tỷ đồng…
Cụ thể, theo thống kê từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sau 11 tháng triển khai chương trình thí điểm hoàn thuế, đã có khoảng 3,4 nghìn lượt người được hoàn thuế với tổng số thuế là trên 10,4 tỷ đồng, trị giá hàng hoàn thuế hơn 136 tỷ đồng, với các mặt hàng chủ yếu là điện tử, quần áo, giày dép… Trong khi đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài, đã có hơn 368 lượt khách nước ngoài với tổng số tiền thuế được hoàn thuế hơn 1,37 tỷ đồng, trị giá hàng hoàn thuế hơn 17,63 tỷ đồng với mặt hàng hoàn thuế chủ yếu là máy móc, túi, ví, đồ trang sức, hàng điện tử, đồ gốm sứ…
Nhiều chuyên gia khẳng định, với các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả việc hoàn thuế cũng như chính sách quảng bá để thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, chắc chắn tới đây, số lượng khách du lịch nước ngoài được hoàn thuế GTGT sẽ tăng lên nhanh chóng.
Sự vượt khó của các ngân hàng thương mại
Thời gian qua đã có 4 ngân hàng thương mại tham gia thí điểm hoàn thuế, gồm: Vietcombank, BIDV, Maritimebank và ViettinBank. Với xu hướng số lượng khách được hoàn thuế tăng lên trong thời gian gần đây, số tiền thuế đã hoàn tăng và số tiền dịch vụ các ngân hàng thương mại được hưởng cũng tăng.
Phải thừa nhận một thực tế rằng hiện nay, doanh thu từ phí hoàn thuế vẫn còn khá thấp, hầu như không đủ bù đắp chi phí hoạt động, thuê mặt bằng tại các sân bay của các ngân hàng. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ban đầu, các ngân hàng thương mại tham gia đã nỗ lực hết mình để phục vụ khách hàng và góp phần thành công cho chủ trương này của Chính phủ.
Đại diện Maritime Bank cho biết: “Maritime Bank vinh dự là một trong bốn ngân hàng thương mại được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Hải Quan chọn lựa tham gia Chương trình. Điều này sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và tiện ích mà Maritime Bank cung cấp tới khách hàng”.
Nỗ lực cải cách hệ thống thuế, theo hướng hội nhập
Chính sách hoàn thuế GTGT đối với khách nước ngoài hiện nay khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, ở Việt Nam, chính sách này được bắt đầu triển khai lần đầu tiên từ ngày 01/07/2012.
Có thể nói, với nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp, ngân hàng, sau gần 1 năm triển khai đã đạt được những kết quả tích cực và cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tiến trình cải cách hệ thống thuế.
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, việc thí điểm hoàn thuế GTGT đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, việc này cũng cho thấy nỗ lực của Việt nam trong việc hoàn thiện chính sách thuế GTGT và phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó góp phần đưa chính sách pháp luật thuế của Việt Nam ngày càng “hội nhập” với thế giới.