5 thách thức từ giảm lãi suất cho vay và ổn định thị trường ngoại hối


Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay và ổn định thị trường ngoại hối theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua và đang có dấu hiệu tạo đáy.
Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua và đang có dấu hiệu tạo đáy.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Nhờ đó, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so với cuối năm 2023.

Về thị trường ngoại hối, đến ngày 22/7/2024, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức 25.332 VND/USD, tăng khoảng 4,44% so với cuối năm 2023, mức mất giá của VND ở mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Trong nửa cuối năm, NHNN cho biết sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ; duy trì lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cùng đó, điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, NHNN cũng thừa nhận việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay và ổn định thị trường ngoại hối theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới vì một số lý do chủ yếu sau:

Thứ nhất, lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua và đang có dấu hiệu tạo đáy. Lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và đến tháng 6/2024, giảm 0,62% so với cuối năm 2023.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có xu hướng tăng trở lại.

Thứ ba, nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng và tiếp tục tăng thời gian tới sẽ gây áp lực đối với mặt bằng lãi suất.

Thứ tư, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế đặc biệt là khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ không hạ lãi suất như dự kiến, đồng USD quốc tế tăng và duy trì ở mức cao và cầu ngoại tệ tăng khi tăng trưởng kinh tế hồi phục trở lại.

Thứ năm, áp lực lạm phát gia tăng đến từ môi trường quốc tế và các nhân tố trong nước như rủi ro leo thang căng thẳng địa cính trị, chi phí vận tải và nguyên nhiên vật liệu tăng, gián đoạn chuối cung ứng, chênh lệch lãi suất trong nước – quốc tế. Cải cách chính sách tiền lương kể từ ngày 1/7 mặc dù chỉ tác động đến bộ phận nhỏ người lao động nhưng tạo tâm lý kỳ vọng tăng giá.