5 tháng, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài 183 triệu USD
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 183 triệu USD. Vốn đầu tư của Việt Nam đã góp mặt tại 25 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, số lượng dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới của Việt Nam tại nước ngoài trong 5 tháng đạt 55 dự án với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 98,3 triệu USD, so với 4 tháng đầu năm 2019 đã tăng thêm 11 dự án (4 tháng là 44 dự án) và tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 2,3 triệu USD.
Bên cạnh đó, có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm là 84,8 triệu USD, tăng thêm 5 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 31,3 triệu USD so với 4 tháng đầu năm.
Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 81,9 triệu USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư; Đứng thứ hai là lĩnh vực ngân hàng với 37,1 triệu USD và chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ 3 với gần 31 triệu USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đầu tư sang 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 59,8 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 44,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư; Campuchia xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Malaysia, Nam Phi, Canada...
Theo các chuyên gia kinh tế, đầu tư ra nước ngoài là một xu hướng của thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu. Hiện nay, đầu tư ra nước ngoài đang được đẩy mạnh nhờ những tháo gỡ tích cực về mặt chính sách của Nhà nước giúp các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường và tăng doanh thu, lợi nhuận lên mức tối đa, tăng thêm kinh nghiệm tiếp cận khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.
Trong thời gian qua, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài không ngừng tăng, điều đó cho thấy, đồng hành cùng việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài với mục tiêu chung là phát triển bền vững nền kinh tế – xã hội của đất nước.