5 yếu tố tác động đến kinh tế thế giới 2016
Đối với giới đầu tư và giao dịch toàn cầu, năm 2015 mang lại cho họ những cung bậc cảm xúc khó quên, khi các thị trường tiền tệ, tài chính thế giới trải qua nhiều biến động và bất ngờ, từ cuộc khủng hoảng thị trường tài chính Trung Quốc cho đến các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) lớn tại Mỹ. Tờ The Financial Times (Anh) đã dẫn ra 5 yếu tố được các chuyên gia tại nước Anh đánh giá là làm chao đảo các thị trường thế giới năm 2015 và tiếp tục tác động đến năm 2016.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc
So với tất cả những mối quan ngại về khủng hoảng nợ Hy Lạp hay kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), thì mối quan ngại về biến động của các thị trường Trung Quốc là yếu tố tác động nhiều nhất tới tâm trạng của các nhà đầu tư trên toàn cầu trong hầu hết năm 2015, nhất là sau khi chỉ số chứng khoán tổng hợp Shanghai Composite của nước này giảm mạnh hồi tháng 6.2015 và sau đó là tháng 8.2015. Chỉ trong một phiên giao dịch trong tháng 8.2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 8,5%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ năm 2007, kéo theo sự sụt giá mạnh của các cổ phiếu trên khắp các thị trường toàn cầu.
Dẫu rằng chỉ số chứng khoán Shanghai Composite sau đó dần hồi phục và khép lại năm 2015 với mức tăng 13%, song mối lo ngại về kinh tế Trung Quốc vẫn khiến giới đầu tư và các thị trường không thể yên tâm. Điều này đã được chứng minh khi ngay đầu năm 2016, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có tới 3 phen phải tự “ngắt mạch” sau khi chỉ số CSI300 (gồm các doanh nghiệp lớn nhất niêm yết tại hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến) giảm sâu vượt quá mức cho phép. Và tới ngày 8.1, Trung Quốc đã phải ngừng cơ chế tự ngắt vừa được áp dụng này.
Sự sụt giá mạnh của dầu thô
Từ mức 116 USD/thùng hồi tháng 6.2014, giá dầu thô Brent Biển Bắc đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng vào đầu năm 2015 và tiếp tục rớt xuống mức thấp nhất trong 11 năm trở lại đây là 36,05 USD/thùng vào cuối năm. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ mức dự báo giá dầu thô Brent năm 2016 đi 10 USD, xuống 43 USD/thùng, và dầu thô West Texas Intermediate (WTI, Mỹ) từ 48 USD/thùng xuống còn 40 USD/thùng, trong bối cảnh nguồn cung dự báo sẽ tiếp tục tăng sau khi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran và Mỹ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ.
Giá dầu ở mức thấp giúp giảm tỷ lệ lạm phát tại nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới và về mặt lý thuyết giúp “giải phóng” nhu cầu đối với các hàng hóa khác. Tuy nhiên, việc dầu thô rớt giá mạnh cũng làm thay đổi tình hình làm ăn kinh doanh của các công ty năng lượng, tiêu biểu là nó biến vụ thâu tóm công ty BG của tập đoàn năng lượng Royal Dutch Shell trị giá 35 - 40 tỷ bảng trở thành quyết định đầu tư tồi.
Giá dầu lao dốc đã, đang và sẽ tác động mạnh đến các nước xuất khẩu dầu trong năm 2016. Algeria dự kiến mức thấp hụt ngân sách năm nay ở mức 30 tỷ USD. Trong năm 2015, thâm hụt cán cân thương mại của nước này đã ở mức 12,6 tỷ USD. Để đối phó với giá dầu giảm mạnh, Chính phủ Algeria đã quyết định giảm trợ giá nhiên liệu, khí đốt và tăng thuế giá trị gia tăng từ 7 lên 17%. Đối với Venezuela, không còn nghi ngờ gì, nền kinh tế nước này đang bên bờ vực thẳm. Venezuela đang phải dùng dự trữ ngoại hối để chi tiêu công. Tình hình nghiêm trọng này có thể sẽ đẩy Venezuela vào tình trạng phá sản trong năm nay.
Quyết định của Ngân hàng Thụy Sĩ
Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ hiếm khi ra các quyết định khiến làm ai phiền lòng, nhưng đầu tháng 1.2015, ngân hàng này đã tạo một cú sốc chưa từng có khi bất ngờ dỡ bỏ trần tỷ giá cố định đồng franc với đồng euro (ở mức 1,20 franc đổi 1 euro) được áp dụng trong suốt ba năm. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde và thống đốc các ngân hàng trung ương châu Âu không tránh khỏi bất ngờ vì không được thông báo trước. Đồng euro ngay lập tức giảm 13,8% so với đồng franc Thụy Sĩ.
Sự xáo động tỷ giá sau quyết định này khiến các công ty môi giới ngoại tệ thiệt hại nặng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch hay các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ - hai lĩnh vực mũi nhọn của nước này.
Mức trần tỷ giá nói trên được áp đặt hồi năm 2011, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng nợ Eurozone đã dẫn các dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư trên thế giới đổ vào các tài sản an toàn của Thụy Sĩ, khiến cho đồng franc Thụy Sĩ tăng vọt và gây ảnh hưởng bất lợi tới xuất khẩu của nước này. Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ mới đây cho biết họ chưa có ý định sớm áp đặt hạn chế lên tỷ giá đồng franc.
Xu hướng mua bán và sáp nhập
Rất nhiều công ty cho rằng năm 2015 là thời điểm thích hợp để đưa ra những bước đi chiến lược. Ngay cả nhà tài phiệt Warren Buffett cũng chọn 2015 là năm để ông thực hiện thương vụ lớn nhất của mình từ trước tới giờ - vụ thâu tóm Precision Castparts Corp. trị giá 32 tỷ USD.
Các thỏa thuận mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu năm 2015 phá vỡ các kỷ lục trước đó về mặt giá trị, đưa tổng giá trị các thỏa thuận M&A tính tới đầu tháng 12.2015 lên 4.600 tỷ USD. Theo thống kê của Dealogic, năm 2015 có chín thỏa thuận M&A trị giá trên 50 tỷ USD, nhiều hơn năm thỏa thuận so với năm 2014. Các hoạt động M&A diễn ra nhiều nhất ở Mỹ; nước Anh góp hai trong số bốn thương vụ M&A lớn nhất trên toàn cầu. Các ngân hàng Mỹ cho rằng năm 2015 là thời điểm để xúc tiến các vụ M&A, bởi sau giai đoạn khủng hoảng, các công ty đã có những dấu hiệu làm ăn tốt hơn hẳn, cộng thêm môi trường lãi suất thấp.
Khủng hoảng nợ Hy Lạp
Vào đầu năm 2015, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp làm dấy lên nguy cơ gây chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU) và dẫn tới sự xáo động không nhỏ trên các thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, sức ép này đã dịu lại hồi giữa tháng 8.2015 khi “xứ sở các vị Thần” và Eurogroup - nhóm các bộ trưởng tài chính các nước thuộc Eurozone - đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba sau hai tuần đàm phán tại Athens, Hy Lạp.