Ngày đầu năm: Thị trường toàn cầu chao đảo

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Điều nhiều người không mong đợi đã xảy ra trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Hầu hết các sàn giao dịch chứng kiến đợt xả hàng đỏ rực bảng điện tử, mà nguồn cơn là làn sóng bán tháo từ Trung Quốc, cộng thêm thông tin bất lợi về tình hình sản xuất không mấy khả quan ở Mỹ hay bất ổn chính trị giữa Arập Xê-ut và Iran.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu cũng khiến 5 tỷ phú giàu nhất thế giới “ngót ví” gần chục tỷ USD.

Những ngày đầu năm mới thường là thời gian thị trường khởi sắc, khi đón nhận dòng tiền từ nhà đầu tư trong tâm trạng lạc quan, phấn khởi. Nhưng, người Trung Quốc lại quyết định lái nó đi theo một hướng khác trong năm 2016, kéo theo sự hỗn loạn ở khắp nơi trên thế giới.

Sắc đỏ không may mắn

Ngay từ phiên giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã vội vã xả hàng, khi xuất hiện thêm những thông tin về triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa và Bắc Kinh sẵn sàng để đồng Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn. Lo lắng chuyển sang sợ hãi, nhà đầu tư tiếp tục đặt lệnh bán ồ ạt nhằm “thoát thân”. Chốt phiên, chỉ số Shanghai Composite Index của thị trường Thượng Hải mất 6,9% số điểm, tái hiện những ngày đen tối của tháng 8/2015. Và gần như ngay lập tức, cả thế giới cảm nhận được ngay sự chấn động.

Mặc dù các cổ phiếu bluechip của Mỹ vớt vát được một chút, vào cuối phiên giao dịch hôm 4/1, nhưng chỉ số Dow Jones vẫn phải đón năm mới ở mức thất vọng nhất, kể từ năm 2008. Cổ phiếu ngành ngân hàng và y tế khiến Standard & Poor 500 giảm 1,5% giá trị. Đây là màn “xông đất” sâu thứ sáu kể từ năm 1927. Kỷ lục đến nay vẫn thuộc về năm 1932, khi chỉ số này giảm 6,9%, tiếp đó là 2,8% trong thời kỳ vỡ bong bóng dot-com năm 2001. Cả hai vết xe đổ nêu trên đều có chung kết cục là cả năm giảm xuống 14%.

Chỉ số Stoxx Europe 600 đánh rơi 2,5% số điểm, khởi đầu tồi tệ nhất trong lịch sử, với gần 580 cổ phiếu đỏ đèn. FTSE 100 của Anh giảm 2,4%. Chỉ số DAX của Đức, một trong những chỉ số tốt nhất năm 2015, cũng không phải ngoại lệ, khi mất 4,3% điểm. Kể từ tháng 8/2015, thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc “khởi xướng” một làn sóng bán tháo toàn cầu, DAX mới lại giảm sâu đến thế.

Chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 2,4 %, khiến cho chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 2,4 %, trong khi MSCI của các thị trường mới nổi giảm 3,3 %, mức cao nhất kể từ ngày 24/8.

S&P/NZX 50 của New Zealand, chỉ số chứng khoán lớn đầu tiên đo lường theo ngày, đã giảm 1,4% trong phiên mở cửa ở Wellington trong ngày giao dịch đầu tiên trong năm ở New Zealand. Chứng khoán ở Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia,Nam Phi và Ba Lan đều giảm hơn 2%.

Sức cản của Trung Quốc

Hầu hết các nhân tố khiến chứng khoán Trung Quốc náo loạn hôm 4/1 không phải có gì mới, nhưng điều đáng ngạc nhiên là ảnh hưởng tức thì của nó đối với phần còn lại của thế giới. Còn nhớ tháng 8/2015, phải sau một độ trễ nhất định kể từ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, thế giới mới có phản ứng. Nhưng hôm thứ Hai vừa rồi, chỉ một phiên sụt giảm tại một thị trường có độ “bất thường” lớn như Trung Quốc cũng đủ sức khiến chứng khoán toàn cầu trượt dốc theo.

Cũng qua sự cố này, thế giới lại thêm một lần được nhắc nhở về sức cản mà Trung Quốc có thể tạo ra, đối với thị trường toàn cầu. Vài tháng trước, việc nước này phá giá đồng Nhân dân tệ và đỏ đèn thị trường chứng khoán đều là tác nhân khiến mọi thành quả tích lũy của thế giới bị xóa sạch. Chứng khoán toàn cầu đã cố gắng gượng dậy từ đó, nhưng vẫn hết sức mong manh.

Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu cũng khiến nhiều đại gia “nóng hết cả mặt mày”. Chỉ tính riêng 5 tỷ phú giàu nhất thế giới đã “ngót ví” mất 8,7 tỷ USD.

“Lỗ” to nhất chính là nhà sáng lập Amazon.com, Jeff Bezos, khi mất 3,7 tỷ USD, do cổ phiếu của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới giảm tới 5,8% giá trị. Giá trị tài sản của Jeff Bezos hiện tại là 56 tỷ USD. Tỷ phú người Tây Ban Nha, Amancio Ortega, chủ sở hữu thương hiệu Zara, mất 2,5 tỷ USD, do cổ phiếu của công ty bán lẻ hàng thời trang Inditex SA giảm 3,5%. “Tượng đài” đầu tư Warren Buffett, tỷ phú viễn thông Mexico, Carlos Slim và nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates, mỗi người hao hụt 700 – 900 triệu USD.

Trên thị trường trái phiếu, trái phiếu chính phủ của các nước phát triển đều đồng loạt tăng giá sau sự cố trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, khi nhà đầu tư chuyển hướng đi tìm “nơi trú ẩn an toàn”.

Căng thẳng gia tăng giữa Iran và Arập Xê-ut cũng là nhân tố góp phần tác động không nhỏ. Trái phiếu 10 năm của Đức tăng giá ngay từ phiên mở cửa cùng với trái phiếu nhiều nước châu Âu khác như Áo và Pháp, trong khi lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ giảm 0,03%, xuống mức 2,24%.