6 điều rút ra về chính sách đối ngoại của Mỹ
Ngày 29/6 tới, Donald Trump sẽ “cán mốc” 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống. Đây là dấu mốc có ý nghĩa giúp đánh giá những gì mà ông Trump đã làm được và chưa làm được, cũng như định hướng sắp tới.
Khi đến Washington tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra lời hứa khiến dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý là đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại mà Mỹ vẫn theo đuổi hàng thập kỷ qua. Thời gian cầm quyền của Tổng thống Trump đã chứng kiến nhiều quyết định và xáo trộn nhằm hiện thực hóa lời hứa này. Sau đây là 6 điều mà giới quan sát đúc kết được về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump.
“Nước Mỹ trên hết” là có thật
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố hằn học nhằm vào các đồng minh của Mỹ, các thỏa thuận tự do thương mại, sự ủng hộ nhân quyền và dân chủ ở nước ngoai, cũng như nhiều nội dung đặc trưng khác trong chủ nghĩa quốc tế của Mỹ. Kể từ khi tại nhiệm, ông cũng đã cho thấy ý định hiện thực hóa ít nhất một số những điều ông từng tuyên bố.
Ngay từ ngày đầu tiên tiếp quản nhiệm sở, Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Mỹ cũng không ngại chỉ trích hoặc khiến các đồng minh bối rối, từ Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tới Thủ tướng Đức Angela Merkel, thậm chí ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Ông Trump đã cho củng cố đường biên giới phía Nam giáp với Mexico và ban hành sắc lệnh hành chính gây nhiều tranh cãi trong vấn đề về người tị nạn, nhập cư.
Rõ ràng, những động thái trong những ngày đầu tại nhiệm của Donald Trump cho thấy, “nước Mỹ trên hết” không chỉ là câu khẩu hiệu đơn thuần, mà phản ánh đặc tính cơ bản nhất trong lập trường của nhà lãnh đạo này về chính sách đối ngoại.
Tuyên bố mạnh miệng khó thực hiện
Hầu hết, các Tổng thống khi mới lên nắm quyền thường hứa mang lại thay đổi căn bản, song không phải ai cũng thực hiện được lời hứa của mình. Đối với ông Trump, trong lĩnh vực đối ngoại, cũng không ngoại lệ.
Sau khởi đầu khó khăn, ông Trump đã học cách chấp nhận NATO, tái khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, đưa ra lập trường trung dung hơn so với các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử đối với việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ hay một số vấn đề thương mại khác. Đến nay, tỷ phú Mỹ không những chưa bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, ngừng ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”, mà còn sẵn sàng xem xét cải thiện quan hệ với Nga.
Có nhiều lý do để lý giải việc những tuyên bố mạnh miệng của Donald Trump không dễ để thành hiện thực. Như trong việc cải thiện quan hệ với Moscow, Washington vấp phải nhiều trở ngại từ hệ thống công quyền, Quốc hội, cũng như chính các cố vấn của ông Trump. Trung Quốc cũng đe dọa từ chối làm ăn kinh doanh với Mỹ chừng nào ông Trump tái khẳng định chính sách “một Trung Quốc”. Trong nhiều trường hợp khác, nhà lãnh đạo nổi tiếng bốc đồng Trump phải đối diện với sự thực rằng những ý tưởng do ông đề xuất hoàn toàn xa rời thực tế.
Mơ hồ trong chính sách với Iran, Triều Tiên, Syria
Tổng thống Mỹ đã thể hiện sự cứng rắn khi gia tăng sức ép lên một loạt nước như Iran, Triều Tiên, Syria. Nhiều người ủng hộ lập trường này cho rằng Tổng thống tiền nhiệm Obama đã quá mềm mỏng và rụt rè trong việc đối phó với những mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ. Vấn đề ở chỗ, mặc dù ông Trump đã thể hiện sự cứng rắn của Mỹ, song dường như nhà lãnh đạo này lại chưa biết cách làm sao để đạt được mục đích của mình.
Chính quyền Mỹ đã nhiều lần đưa ra lời lẽ hăm dọa Iran, nhưng làm thế nào để Mỹ vừa đối đầu với Iran ở Trung Đông, vừa bảo toàn thỏa thuận mà các cố vấn của ông Trump phải thừa nhận đang phát huy hiệu quả?
Nhà Trắng đã có các động thái nhằm tăng sức ép lên Triều Tiên, nhưng dường như Mỹ vẫn cho thấy chiến lược cụ thể và hiệu quả nào để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tương tự, Mỹ đã mở chiến dịch không kích sang Syria, kêu gọi Nga lật đổ chính quyền Assad, song rõ ràng vẫn thiếu đòn bẩy cần thiết nhằm buộc Moscow hay Damascus thay đổi chính sách.
Tăng cường can thiệp quân sự
Tổng thống Trump ngày càng chứng tỏ xu hướng sử dụng sức mạnh quân sự nhiều hơn trong các vấn đề đối ngoại. Bằng chứng là Mỹ đã mở các cuộc không kích vào Syria, thả bom phi hạt nhân lớn nhất xuống Afghanistan, tăng cường các cuộc đột kích chống khủng bố ở châu Phi.
Ông Trump cũng tuyên bố “trao quyền hoàn toàn” cho các chỉ huy quân đội Mỹ nhằm tấn công nhiều hơn. Việc phân quyền kiểm soát cho các chỉ huy quân đội trong việc mở các cuộc không kích ở nước ngoài sẽ cho phép Mỹ tiến hành nhiều chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng quyết liệt hơn, song sẽ gây ra nhiều thương vong hơn cho dân thường.
Mặc dù hướng tiếp cận này được đánh giá là quyết liệt và tích cực hơn so với thời chính quyền Obama, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì dễ dẫn tới khả năng Mỹ sẽ phạm phải sai lầm đáng tiếc trong quá trình ra quyết định.
Thiếu nhất quán nội bộ
Chính quyền Trump đã cho thấy sự thiếu thống nhất ngay trong chính nội bộ của mình. Những phát ngôn đầy mâu thuẫn mà các quan chức trong Chính phủ Mỹ đưa ra, về lập trường của Washington đối với vận mệnh của nhà lãnh đạo Syria Assad trong giải quyết khủng hoảng Syria, càng khiến giới quan sát đặt câu hỏi về việc, rốt cuộc Tổng thống Trump đang tìm cách đạt tới cái đích nào? Ngay chính ông Trump cũng đưa ra những phát ngôn mơ hồ và thiếu thực tế khi tuyên bố một hạm đội tàu chiến của Mỹ đang hướng tới CHDCND Triều Tiên, trong khi hạm đội này lại đang trên hành trình tuần tra cách đó hàng nghìn hải lý.
Chính sách đối ngoại bất nhất của Mỹ làm ảnh hưởng tới uy tín của Tổng thống, cũng như vị thế của nước này trên trường quốc tế. Không những thế, nó còn làm dấy lên các câu hỏi về việc, liệu chính quyền Mỹ có khả năng vận hành tốt trong khủng hoảng, chẳng hạn như khi phải đối đầu với Triều Tiên hay bất cứ tình huống bất ngờ nào?
Mục tiêu chưa rõ ràng
Cho đến nay, vẫn không ai có thể biết đích xác Mỹ sẽ làm gì trong các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại của nước này, từ việc liệu Mỹ có rút khỏi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu? Mỹ có tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hay không? đến số phận các vị trí chủ chốt trong chính quyền, như Chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon sau khi bị loại khỏi Hội đồng An ninh quốc gia…
Sau 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, các nhà phân tích cho rằng, những câu hỏi về mức độ quan tâm mà ông dành cho chính sách đối ngoại, cũng như khả năng thực hiện các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử nhà lãnh đạo này cho đến nay vẫn chưa thể được giải đáp. Mặc dù 100 ngày qua đã chứng kiến không ít bất ngờ trong chính sách đối ngoại của ông Trump, song thời gian tới sẽ còn hứa hẹn những bất ngờ lớn hơn.