Hoàn thiện pháp luật về chứng khoán cần tính đến phương thức tiếp cận của các FTA hiện đại
Tiến sỹ Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho biết: Trong năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBCKNN xác định là triển khai xây dựng LCK sửa đổi… theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế; Việc triển khai rà soát để xây dựng LCK sửa đổi và hệ thống văn bản hướng dẫn sẽ được UBCKNN tiến hành trong nay mai với tiêu chí hàng đầu là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, thể hiện qua việc Việt Nam tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, thì việc xây dựng LCK sửa đổi chắc chắn sẽ phải tính đến yếu tố đảm bảo tuân thủ cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN: “Việc hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán (TTCK), đặc biệt là xây dựng LCK sửa đổi, cần đảm bảo tuân thủ cam kết quốc tế của ta trong lĩnh vực TTCK, đặc biệt là lưu ý đến những vấn đề phát sinh từ phương thức tiếp cận khác nhau của các FTA”.
Những cam kết chính sách cần đáp ứng
Việc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng Giêng năm 2007 đã đặt ra những cam kết cụ thể cho các ngành, các lĩnh vực, trong đó có TTCK phải mở cửa thị trường trong nước theo lộ trình đã cam kết.
Cam kết WTO về TTCK một phần đã có hiệu lực ngay khi gia nhập (năm 2007) và đã có hiệu lực toàn bộ (full-commitment) “sau 5 năm kể từ khi gia nhập” (từ tháng Giêng năm 2012). Cam kết WTO của Việt Nam về lĩnh vực TTCK được đánh giá là đã mở cửa ở mức cao, do đó, các FTA mà Việt Nam tham gia về sau đều lấy mức mở cửa trong WTO làm “mức trần” trong đàm phán.
TPP - Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được khởi xướng với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 11/2010, Việt Nam tuyên bố tham gia TPP, tích cực đàm phán với các nước để đi tới ký kết Hiệp định vào tháng 2/2016. Tuy nhiên, hiện nay, tương lai của TPP đã trở nên “mờ mịt” khi ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một trong những sắc lệnh đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông rút Mỹ ra khỏi Hiệp định này đúng như tuyên bố của ông khi tham gia tranh cử.
Điều này khiến TPP rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi để Hiệp định này chính thức có hiệu lực thì cần sự phê chuẩn của ít nhất 6 nước chiếm ít nhất 85% tổng GDP của cả 12 nước tham gia Hiệp định gộp lại, trong khi GDP của riêng Mỹ đã chiếm 60% GDP của toàn khối. Như vậy, việc các cam kết TPP về TTCK có ràng buộc đối với Việt Nam hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tương lai chung của Hiệp định, trong bối cảnh các nước đã tuyên bố sẽ không tái đàm phán các nội dung của Hiệp định.
Bên cạnh hai Hiệp định quan trọng kể trên, Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác khác, cũng đòi hỏi cam kết mở cửa thị trường dịch vụ chứng khoán hoặc đặt ra các yêu cầu về chính sách hội nhập đối với cơ quan quản lý TTCK là UBCKNN.
Đó là các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN, ASEAN+ và các FTA khác mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết (như EVFTA, VJEPA, VKFTA). Nhìn chung, cam kết của Việt Nam về lĩnh vực TTCK trong các FTA này đều không vượt quá khung cam kết trong WTO.
Một cơ chế hợp tác khác mà UBCKNN tham gia với tư cách thành viên chính thức là Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Tuy nhiên, các cam kết trong IOSCO chỉ mang tính chất khuyến nghị về thông lệ tốt nhất hoặc nguyên tắc về quản lý, phát triển TTCK do IOSCO ban hành, áp dụng cho các thành viên của tổ chức này, không có tính chất ràng buộc quốc gia.
Đối mặt với thách thức từ những fta hiện đại
Trong quá trình Việt Nam tham gia đàm phán TPP đối với các nội dung về TTCK, có thể nhận thấy TPP có phương thức tiếp cận trong xây dựng các nội dung cam kết với nhiều điểm rất khác với phương thức tiếp cận của các Hiệp định truyền thống trước đây, điển hình là WTO. Theo đó, TPP áp dụng phương thức “chọn bỏ - negative list” thay vì phương thức “chọn cho - positive list” trong WTO.
Điều này khiến TPP được coi là “một Hiệp định hiện đại hoặc một Hiệp định của tương lai”. Như vậy, nếu TPP không thành hiện thực thì cái mà chúng ta có được là cơ hội làm quen, nắm bắt một phương thức tiếp cận mới trong đàm phán các FTA hiện đại, từ đó, có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật trong nước.
Câu chuyện xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý trong nước về TTCK sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế hiện nay cũng như các cam kết trong tương lai rõ ràng không chỉ dừng lại ở việc nội luật hóa các nội dung cam kết mà cần nghiên cứu, xem xét phương pháp mà các cam kết được xây dựng và thực hiện.
Hai phương thức tiếp cận trong tự do hóa thương mại dịch vụ:
Hiện phổ biến hai phương thức tiếp cận: (1) Phương thức “chọn cho”, còn gọi là phương thức tiếp cận từ dưới lên trên (bottom-up); và (2) Phương thức “chọn bỏ”, còn gọi là phương thức tiếp cận từ trên xuống dưới (top-down).
Phương thức “chọn cho”
Trong WTO, các cam kết về dịch vụ chứng khoán được thể hiện tại biểu cam kết của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). Có thể lấy đây là ví dụ điển hình cho việc áp dụng phương thức “chọn cho”. Cam kết trong ASEAN cũng áp dụng phương thức tương tự.
Phương thức “chọn cho” là việc “liệt kê chủ động” các cam kết cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực trong đàm phán các FTA thương mại dịch vụ. Theo phương thức này: Các nước thực hiện các cam kết theo như các nội dung đã được liệt kê tại một danh mục các cam kết theo ngành hay lĩnh vực, gọi là Biểu cam kết ngành (Sector Schedule).
Như vậy, các nước sẽ chỉ cam kết đối với các ngành, lĩnh vực, phạm vi và phương thức tiếp cận thị trường với điều kiện đã được liệt kê cụ thể tại Biểu cam kết. Đối với những nội dung không được “liệt kê” thì được hiểu là không cam kết. Mức độ tự do hóa thương mại tỷ lệ thuận với mức độ cụ thể của Biểu cam kết. Tức là, đối với một nước, càng liệt kê nhiều biện pháp thì mức độ tự do hóa càng cao. Các biện pháp tự do hóa không được liệt kê thì không ràng buộc nghĩa vụ đối với nước đó.
Trong quá trình đàm phán các FTA, việc sử dụng phương thức “chọn cho” giúp các nước có được sự chủ động trong đàm phán, từ đó, các nước thường cho rằng việc sử dụng phương thức “liệt kê chủ động” này có thể tạo ra cho họ lớp bảo vệ tốt hơn so với việc sử dụng phương thức “liệt kê thụ động”.
Tuy nhiên, phương thức “chọn cho” có nhược điểm là với phương thức này thì không dễ để có được những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được mức độ tự do hóa cao hơn trong đàm phán và các FTA dễ rơi vào tình trạng “dậm chân tại chỗ”.
Phương thức “chọn bỏ”
Ngược lại với phương thức “chọn cho”, phương thức “chọn bỏ” quy định cách thức các nước liệt kê các cam kết theo hướng “liệt kê thụ động”, tức là mọi lĩnh vực, ngành hay biện pháp chính sách sẽ được tự do hóa hoàn toàn trừ khi một nước liệt kê các bảo lưu tại một Danh mục cụ thể. Kỹ thuật này còn được gọi là “list-or-lose technique - kỹ thuật liệt kê hay mất”.
Với bản chất như trên, phương thức “chọn bỏ” tiềm ẩn rủi ro “bỏ ngỏ” những biện pháp hoặc lĩnh vực không mong muốn cam kết, tức là bỏ sót, không liệt kê vào Danh mục các bảo lưu, mà nếu không liệt kê ra tức là tự do hóa. Đây rõ ràng là một thách thức đối với các nước đang và kém phát triển khi tham gia đàm phán các FTA.
Lý do là các nước này thường quen thuộc hơn với việc cam kết cái gì thì liệt kê ra và những gì không liệt kê được hiểu là không cam kết. Từ đó, các nước này sẽ có tâm lý an toàn, tự tin hơn khi tham gia cam kết do có thể giúp tránh được rủi ro bỏ sót những lĩnh vực không mong muốn mở cửa thị trường.
Tuy nhiên, phương thức “chọn bỏ” được đánh giá là có nhiều ưu điểm do cho phép ràng buộc nghĩa vụ của các bên tham gia đàm phán phải tiến hành rà soát pháp lý đối với tất cả các ngành, lĩnh vực để xác định những nội dung cần bảo lưu.
Một ưu điểm nữa của phương thức “chọn bỏ” là cho phép đưa vào đàm phán để tự do hóa thương mại đối với cả các ngành, lĩnh vực đang phát triển hoặc sẽ phát triển trong tương lai.
Điều này được đánh giá là một lợi điểm của phương thức “chọn bỏ” do tính linh hoạt cao mà phương thức này đem lại cho các nước trong đàm phán mở cửa, đặc biệt là đối với những ngành, lĩnh vực năng động như công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính (trong đó có dịch vụ chứng khoán), viễn thông…, đồng thời còn có khả năng đóng góp vào sự thay đổi hay phát triển của ngành, lĩnh vực đó trong tương lai.
Với những ưu điểm như vậy, phương thức “chọn bỏ” hiện đang được áp dụng phổ biến trong đàm phán các FTA hiện đại, ví dụ như: các FTA thuộc khu vực châu Mỹ đều áp dụng phương thức này; EVFTA giữa Việt Nam và EU, qua quan sát, áp dụng cả hai phương thức “chọn cho” và “chọn bỏ”, mặc dù chủ yếu vẫn là “chọn cho”.
Thách thức nào đối với việc nội luật hóa các cam kết?
Đối với những nước đã quen thuộc với phương thức “chọn bỏ” thì họ cho rằng phương thức “chọn bỏ” rõ ràng hơn so với phương thức “chọn cho”. Để “chọn bỏ”, các nước phải đánh giá cẩn trọng đối với ngành, lĩnh vực tham gia đàm phán, do đó, tìm ra được những điểm yếu, những lĩnh vực còn hạn chế, cần phòng vệ bằng những biện pháp bảo lưu.
Thậm chí, phương thức “chọn bỏ” đòi hỏi các nhà quản lý phải quan tâm hơn đến tiếng nói của khu vực doanh nghiệp khi tham gia quá trình đàm phán, lý do là phải dựa chủ yếu vào doanh nghiệp để đánh giá, tìm hiểu những điểm cần phòng vệ của ngành, lĩnh vực cụ thể thì mới có thể xây dựng được hệ thống các biện pháp phòng vệ hợp lý.
Tuy nhiên, phương thức “chọn bỏ” cũng là một thách thức cho các nước đang phát triển do nó đòi hỏi phải đánh giá và đàm phán quá nhiều lĩnh vực, ngành, phân ngành mà các nước đang phát triển chưa sẵn sàng tự do hóa. Mặt khác, các nước đang phát triển cũng gặp nhiều khó khăn trong nội luật hóa các cam kết vào khung pháp lý trong nước cũng như xây dựng pháp luật trong nước như thế nào để đón đầu các FTA hiện đại trong tương lai.
Điều này một phần xuất phát từ tập quán xây dựng pháp luật của các nước theo những phương thức khác nhau. Mỹ và một số nước phát triển có tập quán áp dụng phương thức “chọn bỏ” (hoặc tương tự “chọn bỏ”) trong xây dựng pháp luật. Ví dụ, luật quy định những hành vi bị cấm, những hành vi không bị cấm bởi luật tức là không vi phạm pháp luật, có thể coi là hợp pháp.
Tất nhiên, cần tính đến tập quán xét xử “tiền lệ pháp- case law” ở những nước này. Trong khi đó, đa phần các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam, thường áp dụng tập quán “chọn cho” trong xây dựng pháp luật. Ví dụ, luật thường quy định những hành vi hợp pháp (hoặc tiêu chuẩn để hợp pháp), còn những hành vi không/chưa quy định bởi luật vẫn không có nghĩa là hợp pháp.
Do sự tương đồng về phương pháp, các nhà làm luật tại các nước đang phát triển như Việt Nam chắc hẳn sẽ ưa chuộng phương thức “chọn cho” trong đàm phán xây dựng các FTA để dễ dàng hơn trong việc nội luật hóa các cam kết trong hiện tại. Tuy nhiên, để đón đầu các FTA hiện đại trong tương lai, cần phải làm quen dần với phương thức “chọn bỏ” ngay từ quá trình rà soát pháp lý cho đến quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Cần nắm vững phương thức tiếp cận của các FTA hiện đại
Trong thời gian sắp tới, cơ quan quản lý sẽ tiến hành nghiên cứu để xây dựng LCK sửa đổi và các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh các ý nghĩa, giá trị khác mà LCK sửa đổi sẽ đem lại, riêng đối với quá trình hội nhập quốc tế thì đây là một dịp hiếm có để triển khai rà soát tổng thể khung pháp lý về TTCK nhằm đảm bảo xây dựng pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế.
Trong quá trình rà soát để xây dựng hệ thống Luật mới, rất cần đến việc nghiên cứu, nắm bắt các phương thức tiếp cận phổ biến trong đàm phán, xây dựng các FTA hiện đại.
Mục đích là để sửa đổi hoặc bổ sung (nếu cần) những quy định của Luật vừa đảm bảo nội luật hóa được các cam kết quốc tế hiện hành, vừa đón đầu được các cam kết trong tương lai, đảm bảo tính bền vững của hệ thống pháp luật về TTCK, tránh những tình huống bắt buộc phải thay đổi trong thời gian ngắn chỉ để đảm bảo tuân thủ cam kết quốc tế phát sinh từ việc tham gia các FTA hiện đại.
Đàm phán TPP đã kết thúc, mặc dù tương lai của Hiệp định này “chưa biết đi về đâu”, nhưng dường như TPP đã đặt ra một hình mẫu về một FTA hiện đại, sẽ có ảnh hưởng đến phương thức xây dựng các FTA mới trong tương lai. Bên cạnh sự khác biệt về phương thức tiếp cận trong xây dựng các cam kết của Hiệp định, TPP còn lần đầu tiên nhấn mạnh đến các cơ chế vẫn còn tương đối xa lạ đối với cộng đồng trong nước, đó là cơ chế “áp dụng theo nguyên trạng - standstill” và cơ chế “chỉ được tự do hóa cao hơn - rachet”.
Các cơ chế này sẽ tiếp tục được áp dụng phổ biến trong đàm phán, xây dựng các FTA khác, có hiệu lực trong tương lai. Điều này tiếp tục là một thách thức khác cho việc rà soát pháp lý, tìm “lỗ hổng - gaps” để xây dựng, hoàn thiện Luật sửa đổi. Đó là thách thức của việc rà soát pháp lý cần thực hiện song song với dự kiến các “kịch bản” có thể xảy ra khi Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc tế mới.
Việc pháp luật về TTCK vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất với các luật khác có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư gián tiếp nước ngoài, tỷ lệ sở hữu nước ngoài… cần được khắc phục tối đa khi xây dựng hệ thống Luật sửa đổi. Những điểm còn “gaps” đó cần được xem xét, sửa đổi cho thống nhất để đáp ứng yêu cầu về thực hiện cam kết và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, một trong những yêu cầu đặt ra khi xây dựng LCK sửa đổi là phải “bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết”.
Để làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế hiện hành, cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề phương thức tiếp cận của các cơ chế hợp tác quốc tế mà Việt Nam tham gia. Có làm như vậy thì việc đảm bảo tuân thủ theo điều ước, cam kết quốc tế của pháp luật về chứng khoán và TTCK mới được lâu dài, tránh được những rủi ro dẫn đến việc phải sửa đổi trong ngắn hạn.