6 giải pháp cho nhiệm vụ năm ngân sách mới của ngành Thuế Bắc Giang
(Tài chính) Năm 2013 là năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, với nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Với phương châm “ổn định để phát triển”, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã đề ra mục tiêu phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 tăng 10% so với năm 2012 và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, tạo nền tảng cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Góp phần vào việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2013, nhiệm vụ công tác thuế sẽ phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với truyền thống, thành tích đã đạt được qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, với tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, ngành thuế Bắc Giang cam kết sẽ phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi dự toán thu ngân sách được giao. Theo đó, các giải pháp mà ngành đề ra là:
Thứ nhất, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của Tỉnh ủy, HĐND và các mục tiêu, chương trình công tác của UBND tỉnh để xây dựng chương trình, kế hoạch giải pháp tổng thể cũng như chi tiết để thực hiện trong từng quý, từng tháng.
Thứ hai, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN chủ động đầu tư, thúc đẩy SXKD phát triển, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách pháp luật thuế đến người dân, nhất là người nộp thuế để tạo sự đồng thuận trong việc chấp hành nghiêm nghĩa vụ với NSNN.
Thứ ba, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu NSNN, trước mắt tập trung đánh giá rút kinh nghiệm việc thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về chống thất thu thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, các đề án chống thất thu thuế ngoài quốc doanh, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không bỏ sót nguồn thu từ các khoản liên quan đến đất, nhất là đối với các trường hợp giao đất mới, các hoạt động chuyển nhượng bất động sản và quản lý thu lệ phí trước bạ nhà đất, thuế TNCN.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế đối với các DN, hộ kinh doanh trên địa bàn, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Quản lý thuế; tập trung xử lý, hạn chế thấp nhất nợ đọng tiền thuế, đồng thời tham mưu với chính quyền địa phương các chế tài để ràng buộc trách nhiệm của các DN, hộ kinh doanh trong việc chấp hành chính sách, pháp luật thuế.
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngành của tỉnh, với UBND các cấp huyện, cấp xã, với hệ thống các ngân hàng thương mại, các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư xây dựng trong công tác quản lý và thu thuế.
Thứ sáu, đẩy mạnh việc thực hiện tiến trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, triệt để khai thác và sử dụng có hiệu quả các ứng dụng tin học, các quy trình nghiệp vụ trong công tác quản lý thuế. Tăng cường công tác quản lý nội bộ, thắt chặt kỷ cương, kỷ luật, đổi mới phương pháp làm việc, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính thuế, nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ trong thực thi công vụ, tạo bước chuyển biến thật sự về công tác quản lý thuế theo hướng: Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới.