6 hành động ưu tiên nhằm thúc đẩy sứ mệnh “Đổi mới xanh”
Giảm phát thải khí nhà kính về "0" trong vòng chưa đầy 30 năm là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi cả nước đang phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam đã chứng tỏ khả năng khi đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý trong vài năm trở lại đây, trong đó có bước nhảy vọt, trở thành nước dẫn đầu ở Đông Nam Á về năng lượng tái tạo…
Để đạt được mục tiêu và hưởng lợi ích từ “Đổi mới xanh”, theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cần ưu tiên thực hiện 6 hành động, được rút ra từ bài học của các nước trên thế giới, nhằm thúc đẩy sứ mệnh mới cho một “Đổi mới xanh”, cụ thể:
Thứ nhất, Việt Nam cần có hệ thống pháp luật về khí hậu toàn diện nhằm thúc đẩy những đổi mới mang tính đột phá và tránh sự chồng chéo về chính sách. Đồng thời, phải tạo điều kiện để tất cả mọi người, đặc biệt là những người chịu tác động của biến đổi khí hậu tiếp cận với các dịch vụ thông tin khí hậu.
Thứ hai, để thực hiện các cam kết về Chuyển đổi năng lượng công bằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ người lao động, những người dễ bị tổn thương. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng tăng trưởng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, đặc biệt là gió ngoài khơi, với hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu châu Á về sản xuất năng lượng tái tạo chỉ trong vòng 4 năm (2018-2021). Cùng với đó, đẩy nhanh quy hoạch không gian biển, đây là chìa khóa để khai phá tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo biển theo những cách bền vững.
Thứ ba, Việt Nam cần có một chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo và chuyên nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất cả các nguồn đầu tư và phát triển. Theo ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 330-370 tỷ USD để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Khoản tiền này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tư từ các nguồn trong nước và quốc tế, trong đó, đóng vai trò quan trọng là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và từ khu vực tư nhân trong nước. Nguồn vốn này nhằm phát triển, thu hút và tạo ra nguồn tài chính xanh như hệ thống thương mại khí thải, thị trường carbon, trái phiếu xanh...
Thứ tư, cần tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn có tính hệ thống và gắn kết hơn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế các-bon thấp, thích ứng với khí hậu, trong đó, cần đẩy mạnh thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tái chế nhựa.
Thứ năm, phát triển các giải pháp dựa vào thiên nhiên, hỗ trợ phát triển bền vững cho Việt Nam. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại những lợi ích đầy hứa hẹn cho Việt Nam, bao gồm tăng cường an ninh nước và lương thực, giảm tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như việc làm và sinh kế dựa vào thiên nhiên. Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng nhấn mạnh: “Tất cả những gì chúng ta làm phải dựa vào thiên nhiên và lấy con người làm trọng tâm, vì họ là tác nhân và động lực của phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ sáu, Việt Nam cần một quá trình đổi mới về chính sách, trong đó đặt yếu tố con người làm trung tâm. Quá trình này sẽ tối đa hóa các tác động tích cực về kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo lợi ích công bằng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đưa ra các biện pháp bảo vệ cộng đồng và người lao động khỏi các tác động bất lợi khi tiến tới mục tiêu ròng bằng không. Trọng tâm các chương trình khí hậu của Việt Nam là trao quyền tiếp cận kiến thức và công nghệ khí hậu cho những người trẻ tuổi, tạo động lực cho một Đổi mới Xanh. Trong “Báo cáo đặc biệt về Thanh niên hành động vì khí hậu”, thanh niên Việt Nam đã vạch ra những thách thức mà họ phải đối mặt khi thực hiện hành động vì khí hậu, đồng thời xây dựng lộ trình đẩy nhanh các hành động do thanh niên lãnh đạo để có thể tham gia hiệu quả và giúp dẫn đầu cuộc đua “về 0”.
Năm 2019, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Đối tác hành động nhựa toàn cầu, một hiệp hội do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức, đồng thời cũng là một trong 4 quốc gia đã thiết lập Quan hệ Đối tác hành động quốc gia về Nhựa (NPAP) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Dựa trên mối quan hệ đối tác lâu dài với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UNDP đã hỗ trợ đăng cai tổ chức Ban Thư ký đối tác hành động Nhựa quốc gia tại Việt Nam, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với các thành viên trong nước và quốc tế của NPAP Việt Nam và các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế nhựa tái chế.