Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam


Quỹ Môi trường được hình thành để nhận tài trợ vốn từ các nguồn khác nhau, từ đó phân phối các nguồn vốn này để hỗ trợ cho việc thực hiện các dự án hoặc các hoạt động cải thiện, bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, hệ thống Quỹ Bảo vệ môi trường nói chung và Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam nói riêng đã trở thành công cụ quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả việc thu hút đầu tư xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường. Bài viết đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và rút ra một số kinh nghiệm, khuyến nghị để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Hệ thống Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và Quỹ BVMT Việt Nam (Quỹ BVMTVN) nói riêng quy định tại Luật BVMT được Quốc hội thông qua năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Luật quy định rõ, Quỹ BVMTVN, Quỹ BVMT cấp tỉnh là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động nhằm cho vay ưu đãi, nhận ký quỹ, hỗ trợ, đóng góp tài chính đầu tư cho hoạt động BVMT. Trước đó, hệ thống Quỹ BVMT được quy định tại Luật BVMT năm 2014 và Luật BVMT năm 2005.

Trên cơ sở quy định pháp lý nêu trong Luật BVMT qua các năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 về tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMTVN.

Theo đó, Quỹ BVMTVN có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận vốn của ngân sách nhà nước; vốn tài trợ; huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật, để hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình, dự án hoạt động về BVMT, qua đó giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

Thực trạng hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ BVMTVN gồm: Vốn cho vay; vốn tài trợ, hỗ trợ; nguồn thu từ lệ phí bán/chuyển Chứng từ giảm phát thải khí nhà kính được ghi nhận (CERs); vốn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân; ủy thác cho vay lại (Bảng 1).

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam - Ảnh 1

Cụ thể, nguồn vốn cho vay gồm vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp và Quỹ Đầu tư phát triển do Quỹ BVMTVN tự tích lũy. Theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg, vốn điều lệ của Quỹ BVMTVN do ngân sách nhà nước cấp là 1.000 tỷ đồng và đến năm 2017 phải cấp đủ 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2021, Quỹ BVMTVN mới được ngân sách nhà nước cấp là 733,787 tỷ đồng và trong giai đoạn 2016 - 2021, Quỹ BVMTVN được cấp thêm 83,787 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Quỹ Đầu tư phát triển do Quỹ BVMTVN tự tích lũy đến thời điểm ngày 31/12/2021 là 475,288 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ 2016 - 2021, Quỹ tích lũy từ chênh lệch thu chi qua các năm lần lượt là: 61,719 tỷ đồng; 57,319 tỷ đồng; 24,762 tỷ đồng; 18,271 tỷ đồng; 9,585 tỷ đồng và 14,178 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ BVMTVN, Quỹ đã được cấp bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ BVMTVN từ ngân sách trung ương (các năm 2006, 2008, 2009, 2010); đồng thời, thực hiện trích bổ sung 20% phân phối chênh lệch thu chi theo quy định tại Thông tư số 132/2015/ TT-BTC ngày 28/8/2015 để thực hiện giải ngân tài trợ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao đến ngày 31/12/2021 còn khoảng 142,139 tỷ đồng.

Đối với nguồn hỗ trợ giá điện gió nối lưới, thực hiện theo tiến độ cấp phát tiền trợ giá từ ngân sách nhà nước theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, sẽ không hỗ trợ giá điện gió nối lưới thông qua Quỹ BVMTVN từ ngày 01/11/2018.

Đối với nguồn thu lệ phí bán/chuyển CERs, tính đến ngày 31/12/2021, sau khi giải ngân hỗ trợ cho các dự án và hoạt động cơ chế phát triển sạch (CDM) theo quy định tại Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/8/2007, nguồn thu lệ phí bán/chuyển CERs còn 4,069 tỷ đồng, cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2021 tiền thu lệ phí bán/chuyển CERs lần lượt qua các năm là 0,207 tỷ đồng; 0,508 tỷ đồng; 0,621 tỷ đồng; 0,744 tỷ đồng; 0,986 tỷ đồng và 0,772 tỷ đồng.

Đối với nguồn huy động từ các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện, cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, nguồn vốn này nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch hơn, hoặc tài trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường.

Do là tổ chức tài chính nhà nước, sử dụng vốn ngân sách thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tài chính nên khả năng và mức độ thu hút tài trợ, đóng góp từ bên ngoài rất thấp, trong giai đoạn 2016 - 2020, Quỹ không tiếp nhận tài trợ, hỗ trợ, đóng góp nào từ các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh các nguồn vốn trên, hoạt động của Quỹ BVMTVN còn được triển khai thông qua nguồn vốn ủy thác cho vay lại của Ngân hàng Thế giới: Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ cho vay lại của Ngân hàng Thế giới phải quản lý là 46,6 tỷ đồng.

Theo Hiệp định tài trợ số 5175-VN và Quyết định số 1932/ QĐ-BTNMT ngày 12/11/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quỹ là đơn vị được giao thực hiện Hợp phần 2 - Thí điểm cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, thuộc dự án “Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy”, thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018 và dự án kết thúc vào ngày 30/9/2018.

Theo quy định của Ngân hàng Thế giới, dự án có 4 tháng ân hạn kỹ thuật về giải ngân kể từ thời điểm kết thúc dự án, theo đó, thời hạn giải ngân cuối cùng của Dự án là ngày 31/01/2019, do vậy, kể từ năm 2020 trở đi, nguồn vốn ủy thác cho vay lại từ Ngân hàng Thế giới không phát sinh thêm các khoản giải ngân.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, Quỹ BVMTVN đã giải ngân cho vay lại năm 2016 là 12,2 tỷ đồng; năm 2017 là 7,5 tỷ đồng; năm 2018 là 6 tỷ đồng; năm 2019 là 1,5 tỷ đồng. Thu nợ gốc vay để hoàn trả Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2016 - 2021 lần lượt là 5,472tỷ đồng; 7,650 tỷ đồng; 8,510 tỷ đồng; 9,270 tỷ đồng; 11,145 tỷ đồng và 11,145 tỷ đồng.

Hoạt động nghiệp vụ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Hoạt động nghiệp vụ của Quỹ BVMTVN trong giai đoạn 2016-2021 đã đạt được kết quả khả quan thể hiện trên các tiêu chí trong Bảng 2. Cụ thể đối với cho vay với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bảng 2 cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, dư nợ tín dụng của Quỹ BVMTVN luôn tăng trưởng với tốc độ trung bình đạt gần 19%. Chỉ riêng năm 2021, dư nợ giảm nhẹ 2,97% so với năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam - Ảnh 2

Do đó, các doanh nghiệp tính toán thận trọng trong việc vay vốn để đầu tư BVMT, nên nhu cầu vay vốn trong năm 2021 giảm đáng kể. Về chỉ tiêu giải ngân cho các dự án vay vốn, trong giai đoạn 2016 - 2021, giải ngân đạt tổng giá trị 1.650,121 tỷ đồng và tăng giảm không đều qua các năm.

Nếu từ năm 2016 - 2018, số tiền giải ngân luôn tăng với tốc độ trung bình 26%, thì đến năm 2019 lại giảm nhẹ hơn 1% so với năm 2018, sau đó đến năm 2020 lại tăng nhẹ hơn 5%, đặc biệt đến năm 2021, chỉ tiêu giải ngân đã giảm mạnh 36% so với năm 2020 ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm mạnh. 

Bên cạnh đó, tổng giá trị thu nợ gốc vay từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2021 là 1.134,812 tỷ đồng, tăng dần qua các năm với tốc độ tăng trung bình hơn 12%.

Quỹ đã chủ động kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và tài sản thế chấp của khách hàng, định kỳ đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan như ngân hàng bảo lãnh, tòa án đối với các trường hợp nợ khó đòi để phối hợp thu hồi nợ.

Do vậy, nợ xấu đã giảm dần qua các năm. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu kể từ năm 2018 luôn duy trì ở mức dưới 3%, nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, hoạt động nghiệp vụ của Quỹ BVMTVN thực hiện thông qua hoạt động cho vay từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Thế giới.

Trong giai đoạn từ 2016 - 2021, Quỹ đã giải ngân 27,2 tỷ đồng từ vốn ủy thác của Ngân hàng Thế giới và giảm dần qua các năm với tỷ lệ giảm trung bình gần 45%. Kể từ năm 2020, Quỹ BVMTVN không thực hiện giải ngân cho các dự án vay vốn từ nguồn này.

Đối với các tiêu chí khác, chỉ tiêu thu nợ gốc vay từ nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2016-2021 đạt tổng giá trị là 53,192 tỷ đồng và đều tăng dần qua các năm. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2021, Quỹ đã thực hiện giải ngân tài trợ với tổng số tiền là 79,45 tỷ đồng và tăng giảm không đều qua các năm, cụ thể: Nếu như năm 2017 tăng 23% so với năm 2016 thì đến giai đoạn 2017 - 2019, chỉ tiêu giải ngân tài trợ lại giảm dần, đặc biệt trong năm 2018 giảm mạnh gần 84% so với năm 2017.

Tuy nhiên, đến năm 2020 lại tăng gần 135% so với năm 2019. Nhận ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản trong giai đoạn 2016 – 2021, Quỹ tiếp nhận với tổng số tiền là 128,501 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ cũng thực hiện hoàn trả tiền gốc ký quỹ với tổng số tiền là 12,067 tỷ đồng.

Trong khi đó, đối với thu lệ phí bán/chuyển CERs, trong giai đoạn 6 năm (2016 – 2021) Quỹ đã thẩm định đăng ký CERs cho 26 dự án CDM với lượng CERs đăng ký là 5.327.607 CERs; Thu lệ phí bán/ chuyển CERs được 3,838 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động nghiệp vụ của Quỹ thực hiện thông qua các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao: Trong giai đoạn 2016 – 2021 đã thực hiện giải ngân 21,224 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện các chương trình, sự kiện, giải thưởng môi trường quốc gia; các hoạt động triển khai chính sách nâng cao nhận thực cộng đồng, về môi trường và một số nhiệm vụ khác.

- Hỗ trợ dự án và hoạt động CDM: Trợ giá sản phẩm điện gió theo Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg sẽ kết thúc hoạt động nghiệp vụ này sau khi hoàn tất giải ngân trợ giá cho dự án “Phong điện 1 - Bình Thuận”, trong giai đoạn 2016-2021 chỉ giải ngân trợ giá điện gió 29,277 tỷ đồng trong năm 2016.

- Hỗ trợ điện gió được thực hiện theo tiến độ cấp phát tiền trợ giá từ ngân sách nhà nước theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, sẽ không hỗ trợ giá điện gió nối lưới thông qua Quỹ từ ngày 01/11/2018. Trong giai đoạn 2016 - 2021, chỉ giải ngân 66,828 tỷ đồng trong năm 2017.

- Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư: Nghiệp vụ này vẫn gặp nhiều trở ngại do điều kiện để xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư dự án BVMT rất khắt khe. Hầu hết các dự án đầu tư BVMT không vay vốn từ Quỹ đều không đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định của Quỹ.

- Hỗ trợ 10% vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế BVMT: Từ khi Quỹ được giao thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ 10% tổng vốn đầu tư thiết bị triển khai ứng dụng sáng chế BVMT theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT đã có nhiều vướng mắc về việc ngân sách nhà nước bố trí vốn cấp bù kinh phí tài trợ cho các dự án, nhiệm vụ BVMT đã thực hiện hàng năm nên vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ.

Nhìn chung, trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Quỹ BVMTVN đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ được giao góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Quỹ BVMTVN đã cho vay ưu đãi hơn 350 dự án; tài trợ hơn 200 dự án, đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai; nhận ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản... 

Đặc biệt, hiệu quả hoạt động của Quỹ BVMTVN ngày càng được khẳng định, thể hiện trên 4 tiêu chí: (i) Góp phần BVMT, giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính thông qua hoạt động cho vay ưu đãi và tài trợ;

(ii) Giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, giảm bớt khó khăn cho đồng bào tại các địa phương xảy ra thiên tai (bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn) thông qua hoạt động hỗ trợ các địa phương khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai;

(iii) Bảo đảm việc thực hiện các đề án cải tạo phục hồi môi trường sau khi khai khác khoáng sản thông qua hoạt động nhận ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường;

(iv) Hiệu quả về tài chính luôn được bảo đảm duy trì tốt (Quỹ BVMTVN đã tích luỹ được 475 tỷ đồng đầu tư phát triển, đến ngày 31/12/2021). Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Quỹ BVMTVN cũng gặp phải một số tồn tại, hạn chế sau:

Một là, nguồn vốn hoạt động của Quỹ BVMTVN còn rất nhỏ so với nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án BVMT trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.

Hai là, về cho vay ưu đãi: Trong lĩnh vực tín dụng, hạn chế về nguồn vốn đã buộc Quỹ BVMTVN lựa chọn đối tượng phục vụ chính là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với một số dự án lớn, Quỹ chỉ dành lượng vốn tối đa 36 tỷ đồng cho vay/dự án. Trong khi đó, nhu cầu hỗ trợ vốn đầu tư BVMT của các doanh nghiệp ngày càng tăng.

Ba là, mức độ thu hút vốn từ các nguồn khác rất thấp, chủ yếu là thông qua các dự án nhỏ do Quỹ vận động trên cơ sở các hoạt động hiện có hỗ trợ cho các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch hơn, hoặc tài trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường.

Bốn là, về tài trợ: Tài trợ 50% vốn đối ứng hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đối tượng tài trợ là các địa phương, đơn vị cơ sở ở tình trạng khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai, bão lụt, sự cố tràn dầu hoặc dịch bệnh...

Công tác tài trợ thường xuyên bị động do phụ thuộc tiến độ lập hồ sơ và hoàn thành các thủ tục pháp lý của đơn vị xin tài trợ, gây chậm tiến độ.

Năm là, về hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các dự án BVMT: Thực tế cho thấy có ít nhà đầu tư môi trường đáp ứng được yêu cầu đối với hỗ trợ lãi suất vay vốn do các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tín dụng với các tổ chức tín dụng hoặc chưa đáp ứng đủ các điều kiện để được hỗ trợ lãi suất vay vốn.

Sáu là, chưa có khung pháp lý rõ ràng quy định về cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động và cơ chế tài chính đối với các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nói chung và hệ thống Quỹ BVMT nói riêng.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cũng như để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ BVMTVN, thời gian tới cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động tiếp cận các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm thu hút các nguồn lực quốc tế dành cho bảo vệ tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.

Nghiên cứu hoạt động và chính sách của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực BVMT và biến đổi khí hậu hoặc có các hoạt động hỗ trợ liên quan để có định hướng tiếp cận phù hợp.

Hình thành các nhóm dự án có năng lực xây dựng và triển khai dự án sử dụng nguồn vốn quốc tế, vốn ODA dành cho bảo vệ tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.

Thứ hai, tăng cường bổ sung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xem xét cấp bổ sung vốn từ ngân sách nhà nước cho Quỹ triển khai các hoạt động tài trợ và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

Thứ ba, chú trọng công tác lập kế hoạch, đặc biệt là công tác lập kế hoạch năm, xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các lĩnh vực ưu tiên. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những ưu tiên của ngành làm định hướng xây dựng kế hoạch hoạt động của Quỹ; Nghiên cứu dự báo nhu cầu về vốn cho lĩnh vực BVMT, các nguồn thu bổ sung cho Quỹ.

Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình tăng vốn của Quỹ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng các kế hoạch hành động theo định hướng chiến lược của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ tư, xem xét, ban hành hệ thống văn bản pháp lý nhằm thống nhất mô hình, tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính của Quỹ BVMT từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, để hướng dẫn triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin về Quỹ BVMT. Theo đó, cần thành lập Cổng thông tin điện tử chung cho các quỹ BVMT; thường xuyên cập nhật báo cáo kết quả định kỳ về tình hình hoạt động để các quỹ có thể tham khảo, học hỏi và rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tình hình hỗ trợ tài chính từ Quỹ BVMT; các tổ chức, cá nhân đã được hỗ trợ từ Quỹ... 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường 2014;

2. Quốc hội (2020), Luật Bảo vệ môi trường 2020;

3. Chính phủ (2022), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020;

4. Thủ tướng Chính phủ (2002), Quyết định số 82/2002/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;

5. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 78/2014/QĐ-TTg về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam;

6. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (2016, 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021), Báo cáo kết quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021;

7. Tạp chí Tài chính (2021), Phát triển nguồn vốn hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường của Đức, Romania và thực tiễn tại Việt Nam. https://tapchitaichinh. vn/tai-chinh-quoc-te/phat-trien-nguon-von-ho-tro-cac-du-an-bao-vemoi-truong-cua-duc-romania-va-thuc-tien-tai-viet-nam-336882.html;

8. Antoinette B., 2007, Germany: Deutsche Bundesstiftung Umwelt DBU “German Environmental Foundation”;

9. Czech Republic State Environmental Fund, 2009, State Environmental Fund of Czech Republic-2009 Annual Report;

10. Deutsche Bundesstiftung Umwelt (DBU), 2011, Innovation for the Environmental 20 years Deutsche Bundesstiftung Umwelt.

* Theo Dương Thị Phương Anh, Đặng Đình Huân - Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2022.