6 tháng đầu năm, DATC đạt doanh thu hơn 1,8 nghìn tỷ đồng

Tuấn Thủy

Tính đến 30/6/2024, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) ghi nhận doanh thu đạt 1.858,8 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 76% kế hoạch năm.

Trong 6 tháng đầu năm, DATC đạt doanh thu từ xử lý nợ, tài sản và thoái vốn 1.832 tỷ đồng, hoàn thành 75,9% kế hoạch năm. Các khoản doanh thu từ xử lý nợ và tài sản tiếp nhận; doanh thu hoạt động tài chính và doanh thu khác lần lượt đạt 703 tỷ đồng và 26 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế công ty ước đạt 68,5 tỷ đồng, bằng 104,3% so với cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước thực hiện 90 tỷ đồng, hoàn thành 54,1% kế hoạch đề ra đầu năm.

Bảng 1: Thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh doanh của DATC (triệu đồng)

Nguồn: DATC
Nguồn: DATC

Đối với nhiệm vụ mua bán nợ, tài sản, Công ty tiếp tục triển khai theo thỏa thuận, tập trung thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán, xử lý nợ, kể cả thay đổi phương thức xử lý thu hồi nợ so với nghị quyết phê duyệt ban đầu để phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế thanh toán nợ của khách nợ.

Thời gian qua, DATC đẩy mạnh mua nợ thông qua hình thức đấu giá, rút ngắn thời gian xây dựng phương án, thời gian mua nợ nhằm từng bước nâng cao quy mô hoạt động của Công ty.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty thực hiện ký 8 hợp đồng mua nợ với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Indovina, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và 04 đơn vị nhỏ lẻ khác với tổng giá trị nợ là 2.765,7 tỷ đồng (trong đó: Nợ gốc là 1.773,6 tỷ đồng và nợ lãi 992,1 tỷ đồng).

Thực hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ và Bộ Tài chính giao, Công ty tích cực, chủ động phối hợp với Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để nắm bắt thông tin, tổ chức tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi có phát sinh; đồng thời tận thu cho ngân sách nhà nước qua việc xử lý nợ và tài sản đã phân loại, tiếp nhận từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong các năm trở lại đây, tiến độ cổ phần hóa tại các bộ, địa phương còn chậm dẫn đến kết quả hoạt động này chưa cao.

Theo đại diện DATC, việc xử lý tài sản mất mát, thiếu hụt, chi phí không có hiện vật của nhiều doanh nghiệp đã tồn tại từ nhiều năm nay là hết sức khó khăn và không khả thi vì nhiều đối tượng nợ không còn tồn tại hoặc đã mất khả năng trả nợ. Theo quy định Công ty tiếp tục phân loại nợ nhóm 2 không có khả năng thu hồi để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý xóa nợ.

6 tháng đầu năm 2024, Công ty đã thực hiện xử lý nợ và tài sản tiếp nhận với doanh số thu hồi cho Nhà nước đạt 2,03 tỷ đồng, doanh thu đạt 0,61 tỷ đồng, đạt 30,48% so với kế hoạch 2024.

Về hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, thực hiện vai trò là công cụ của Nhà nước tham gia tái cơ cấu tài chính, phục hồi doanh nghiệp, DATC đã xử lý để lành mạnh tài chính của các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần có vốn góp của DATC (chủ yếu từ chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ và giá vốn mua nợ).

Trong giai đoạn trước đây, Công ty đã góp phần đáng kể vào quá trình chuyển đổi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thông qua hoạt động mua bán nợ. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước phải tái cơ cấu tài chính giảm mạnh nên đã hạn chế phần nào hoạt động thế mạnh của DATC.   

Theo đó, Ban Lãnh đạo DATC định hướng, trong giai đoạn tới, Công ty mở rộng hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp khác để nâng cao tính cạnh tranh và tăng quy mô hoạt động.

Do hoạt động mua bán nợ ngày càng khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty tiếp tục đẩy mạnh rà soát và tái cơ cấu các doanh nghiệp DATC đã mua nợ từ các năm trước.