6 tháng, xử phạt 195 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

PV.

6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã xử phạt 195 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,66 tỷ đồng, số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng.

Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao. Nguồn: internet
Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao. Nguồn: internet

Thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 925 vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì với trị giá lên tới hơn 4,52 tỷ đồng, số tiền xử phạt trên 5,543 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lực lượng này cũng đã phát hiện và xử phạt 222 vụ vi phạm giả mạo về tem, nhãn bao bì hàng hóa trị giá trên 5,39 tỷ đồng, số tiền xử phạt trên 743 triệu đồng; Xử phạt 195 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,66 tỷ đồng, số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng.

Thượng tá Nguyễn Hữu Cừ - Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho hay, 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện 286 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, đã khởi tố 49 vụ hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ phần lớn sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) sau đó được đưa vào Việt Nam để gắn nhãn mác giả và tiêu thụ.

Đáng nói hơn, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao.

Theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Các đối tượng vi phạm thường chia tách các công đoạn để tránh bị phát hiện hoặc kinh doanh, vận chuyển trà trộn với hàng thật.

Bên cạnh đó, các đối tượng trong nước còn móc nối với nước ngoài để đặt hàng sản xuất, gia công, lắp ráp, phân phối hàng giả.