Hàng giả được “tuồn” vào Việt Nam tinh vi như thế nào?
Theo Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an, hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) phần lớn được sản xuất ở nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), sau đó được đưa vào Việt Nam để gắn nhãn mác giả và tiêu thụ. Các loại hàng giả này thường được đưa vào bằng cả đường chính ngạch, tiểu ngạch, trong đó chủ yếu nhập lậu qua biên giới phía Bắc, đường hàng không, đường biển.
Xử phạt hơn 5 tỉ đồng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của báo chí” tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm 2016, số vụ vi phạm giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì là 925 vụ với tổng số tiền xử phạt là hơn 5,5 tỉ đồng. Vi phạm về tem giả, nhãn bao bì hàng hóa là 222 vụ, với tổng số tiền xử phạt là hơn 743 triệu đồng. Vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 195 vụ, xử phạt hơn 1,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Toàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) cho biết, 6 tháng đầu năm đã xử lý trên 50 vụ việc theo đề nghị của chủ thể quyền và cảnh sát kinh tế. Lực lượng cảnh sát kinh tế cũng đã phát hiện 286 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong đó đã khởi tố 49 vụ.
Theo ông Vũ Xuân Bính - Phó Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường, phương thức thủ đoạn vi phạm hàng giả, xâm phạm SHTT đang ngày càng tinh vi để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT online cũng ngày càng phổ biến.
Vì mục tiêu lợi nhuận, việc làm giả sản phẩm được bảo hộ để giành giật thị trường trở thành hiện tượng phổ biến. Có thể thấy, hàng hóa nào có thương hiệu, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả.
Đặc biệt trong thời gian qua nổi lên tình trạng sản xuất các loại thực phẩm chức năng giả có chức năng làm đẹp cho phụ nữ, lực lượng cảnh sát kinh tế đã bắt giữ nhiều vụ lớn tang vật thu giữ là nhiều tấn thực phẩm chức năng giả.
Thủ đoạn “vô biên”
Cũng theo Cục Cảnh sát kinh tế, đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả chủ yếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Với lĩnh vực như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, đối tượng cầm đầu thường là những người có chuyên môn, am hiểu về chuyên ngành, thậm chí là Giám đốc công ty, chỉ đạo nhân viên trực tiếp sản xuất hoặc đặt Trung Quốc sản xuất.
Nếu như, hàng giả, xâm phạm SHTT sản xuất trong nước chủ yếu là sản xuất thủ công nhỏ lẻ hoặc lắp ráp linh kiện, đóng gói sản phẩm thì đối với hàng giả, xâm phạm SHTT sản xuất ở nước ngoài, các đối tượng đặt hàng dưới dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, chi tiết, bao bì rời, sau đó nhập lậu vào Việt Nam để lắp ráp, đóng gói, tiêu thụ.
Nếu bị bắt giữ rên đường vận chuyển thì cơ quan chức năng không thể xử lý được hàng giả vì không chứng minh được ý thức chủ quan của đối tượng vận chuyển; hoặc hàng hóa mới chỉ là các chi tiết, chưa có nhãn mác và chưa là sản phẩm hoàn chỉnh.
Đối với hàng giả, xâm phạm SHTT sản xuất hoặc lắp ráp, đóng gói trong nước, các đối tượng thường thuê địa điểm hẻo lánh, ngõ cụt, khu vực giáp ranh vừa để ở, vừa để làm hàng giả, thời gian thuê ngắn rồi đổi địa điểm khác để tránh bị phát hiện. Việc sản xuất được giữ bí mật, chia ra nhiều công đoạn, nhiều nơi khác nhau như nơi đặt in vỏ bao bì, nhãn mác, nơi pha, trộn, thay nhãn mác, nơi đóng gói.
Trước thực trạng hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp, ông Phạm Văn Toàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ KHCN cho biết, một trong những giải pháp trong thời gian tới là sẽ ký kết chương trình phối hợp hành động giữa các Bộ/ngành về hợp tác phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 3 (2016 - 2020).