6 việc lớn đối ngoại của Nga 2014
(Tài chính) 2014 là năm thăng trầm của đối ngoại Nga, khởi đầu bằng việc đăng cai tổ chức Olympics tại Sochi đầy hào nhoáng và kết thúc bằng những nốt trầm của suy thoái kinh tế do giá dầu giảm mạnh, cùng cuộc đối đầu Nga - phương Tây căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tờ Moscow Times điểm lại 6 sự kiện đối ngoại nổi bật của Nga trong năm qua.
Sáp nhập Crimea
Cuộc khủng hoảng ở Crimea trở thành một trong chủ đề nóng nhất của thời sự quốc tế năm qua. Với việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm thay đổi cục diện chính trị khu vực, đẩy cuộc đối đầu Nga – phương Tây đi xa hơn tới mức không thể quay đầu lại. Sau khi ông Putin ký sắc lệnh sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, tỷ lệ ủng hộ trong nước dành cho nhà lãnh đạo này tăng vọt, với 81% tổng số dân Nga ủng hộ hành động này, theo kết quả cuộc thăm dò do trung tâm phân tích về Ukraine Levada tiến hành. Tuy nhiên, phương Tây không thể chấp nhận sự việc này và chỉ có 10 nước đứng về phía Nga trong cuộc bỏ phiếu lên án hành động của Nga tại Liên Hợp Quốc.
Crimea đã mang lại cho Moscow cơ hội để lên tiếng bày tỏ nỗi thất vọng trước trật tự toàn cầu và từ chối đóng vai thứ trên sân khấu quốc tế. Nhưng mặt trái của nó là khoảng cách ngày càng nới rộng với quốc gia láng giềng Ukraine và mối quan hệ băng giá với phương Tây.
Tạm thời, dân Nga được đánh giá cao chủ yếu dựa vào lòng tự tôn dân tộc hơn sự thịnh vượng kinh tế. Hơn 68% dân Nga tin rằng đất nước của họ đang lớn mạnh, và 65% cho biết thích sống trong một đất nước rộng lớn, được tôn trọng và nể sợ, chứ không phải trong một quốc gia nhỏ và ấm cúng, theo cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Levada tiến hành. Trong số những người trả lời, 77% cho rằng, Nga sẽ chỉ trở thành một quốc gia thịnh vượng nếu nước này theo đuổi các phương pháp phát triển mang phong cách riêng, loại bỏ các giá trị phương Tây trong quá trình này, trong khi chỉ có 12% ủng hộ con đường thân phương Tây. Những số liệu thống kê trên cho thấy, sự thay đổi quyết định trong nhận thức của người Nga về thế giới bên ngoài và vai trò của nước họ năm qua.
Xung đột Đông Ukraine và thảm kịch MH17
Trái ngược hoàn toàn với Crimea, tình hình ở các vùng Donetsk và Luhansk, miền Đông Ukraine đã nhanh chóng trở thành cuộc xung đột toàn diện, cướp đi ít nhất 4.700 sinh mạng tính tới thời điểm này và ít nhất 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, theo số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc. Tình trạng bất ổn nhiều khả năng sẽ khiến miền Đông Ukraine mắc kẹt giữa các cuộc xung đột bị đóng băng khác trong không gian hậu Xô Viết. Nếu cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở khu vực Kavkaz và Moldova là chỉ dẫn, thì xung đột ở Ukraine có thể là động lực mạnh mẽ để Kiev gia nhập NATO.
Thêm vào đó, thảm kịch máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi hồi tháng 7, làm toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, với nhiều đồn đoán về nguyên nhân, càng làm phức tạp thêm tình hình. Trong khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc lực lượng của Kiev đứng đằng sau vụ việc, thì các phương tiện truyền thông phương Tây lại cho rằng lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine chịu trách nhiệm. Thảm kịch đã tạo động lực chính trị lớn trong giới lãnh đạo phương Tây huy động sự đồng thuận áp lệnh trừng phạt Nga, liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Olympics Sochi 2014
Với việc đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa Đông tại thành phố biển Sochi, Nga muốn quảng bá hình ảnh một đất nước hiện đại, hấp dẫn và hứa hẹn nhiều cơ hội. Khi đến Công viên Olympics, khán giả và vận động viên được chào đón với dòng chữ “Nga: Vĩ đại, mới, cởi mở”. Mặc dù Moscow đã dành rất nhiều công sức và tiền của để tổ chức sự kiện này, tổng kinh phí lên tới hơn 50 tỷ USD, nhưng nỗ lực nhằm lấy lòng bạn bè quốc tế đã không mang lại kết quả như mong đợi. Thất bại đối ngoại lớn nhất của Nga liên quan đến sự kiện thể thao này là Tổng thống Mỹ Barack Obama không dự lễ khai mạc, cho thấy quan hệ Moscow - Washington đã bắt đầu lạnh nhạt trước cả khi xảy ra sự kiện sáp nhập Crimea vào Nga.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây
Nếu ban đầu các quan chức Nga được loại khỏi danh sách trừng phạt của phương Tây thì đến tháng 12, phương Tây đã nhất trí tăng cường trừng phạt Nga với đối tượng chính là các quan chức của Chính phủ. Đây là đòn giáng đáng kể đối với nền kinh tế Nga. Những biện pháp trừng phạt đau đớn nhất được áp đặt ngay sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga và tiếp đó là bi kịch MH17, trong đó có nhiều biện pháp được thông qua với thời hạn một năm. Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chưa tác động được đến chính sách của Nga đối với Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn kinh tế và khủng hoảng tài chính tiếp tục mất kiểm soát, ông Putin sẽ nhận thấy cần hạ nhiệt căng thẳng, nhằm thu hút vốn nước ngoài trở lại Nga. Sự sụt giá chóng mặt của đồng ruble thời gian gần đây, kết hợp với việc Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất vào tuần qua, càng cho thấy nhiệm vụ này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Chính sách hướng Đông và xích gần Trung Quốc
Hiển nhiên là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc đồng minh truyền thống Ấn Độ của Nga sẽ tranh thủ rạn nứt Nga - phương Tây để tạo lợi thế riêng. Điều này đã được minh chứng bởi chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kéo dài 10 ngày tới Trung Á, nơi nhà lãnh đạo này đã ký hàng loạt thỏa thuận có trị giá hơn 40 tỷ USD. Trong khi Ấn Độ chào đón Putin trong chuyến thăm New Delhi vào tháng 12, Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi xoay trục chính sách đối ngoại sang Nhật Bản, Australia và Mỹ. Trong bối cảnh nền kinh tế của Nga ngày càng yếu kém, Nga và Putin đang đối mặt trước nguy cơ đặc biệt rõ ràng là trở thành đối tác hạng hai không chỉ với phương Tây, mà với cả phương Đông.