8 bộ ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả
Năm 2016, ngành Dự trữ quốc gia (DTQG) được giao tổng dự toán để mua hàng dự trữ (bao gồm cả 8 bộ, ngành) gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, dự toán vốn tăng mua hàng DTQG là 770 tỷ đồng; mua bù hàng DTQG là gần 230 tỷ đồng.
“Các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo bảo quản an toàn, xuất cấp kịp thời các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...”, chia sẻ với Tạp chí Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đánh giá cao những nỗ lực này.
PV: Xin Thứ trưởng đánh giá khái quát về tình hình thực hiện kế hoạch DTQG của các bộ, ngành trong năm qua?
Việc tổ chức mua sắm hàng DTQG để nhập kho được thực hiện theo đúng các quy định của Luật DTQG và Luật Đấu thầu, trong đó có tính đến đặc thù của các bộ, ngành (an ninh, quốc phòng). Việc tổ chức nhập hàng đảm bảo theo đúng quy định, tiết kiệm ngân sách nhà nước (NSNN).
Các danh mục mặt hàng đưa vào DTQG đều là những mặt hàng thiết yếu, quan trọng, các phương tiện, thiết bị chuyên dụng đặc chủng, hiện đại, công nghệ tiên tiến, bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Công tác nhập, xuất luân phiên đổi hàng DTQG cũng đã được các bộ, ngành quan tâm, chủ động thực hiện, đảm bảo đúng theo kế hoạch được giao. Hàng DTQG bảo quản trong kho luôn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng khi đưa ra sử dụng.
Công tác xuất bán, xuất giảm hàng luôn thực hiện đúng theo kế hoạch, góp phần bổ sung ngân sách để mua các mặt hàng mới và giải quyết tốt một số nhiệm vụ đột xuất cấp bách nhằm cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng.
Về chi nghiệp vụ DTQG, hàng năm, căn cứ các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán chi NSNN và các quyết định điều chỉnh, bổ sung dự toán chi NSNN hàng năm, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã chủ động phân bổ giao dự toán để các đơn vị triển khai thực hiện; đồng thời, tích cực, chủ động điều hành thực hiện dự toán ngân sách được giao đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, tiết kiệm.
PV: Công tác quản lý và bảo quản hàng DTQG luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành DTQG. Công tác này trong năm 2016 được thực hiện thế nào, thưa Thứ trưởng ?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí: Chất lượng hàng được các bộ, ngành quản lý hàng DTQG quản lý chặt chẽ theo đúng quy định tại Thông tư 130/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hàng DTQG trong quá trình lưu kho đã được các đơn vị tuân thủ theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hàng xuất ra đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng.
Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa đã được các bộ, ngành thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng ngay từ đầu vào. Trong quá trình bảo quản và khi xuất kho, hàng hóa luôn được kiểm tra, kịp thời xử lý những phát sinh trong quá trình bảo quản, đảm bảo chất lượng hàng hóa theo quy định. Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng hàng, theo quy định tại Thông tư 130/2014/TT-BTC.
Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG. Đến nay, các bộ, ngành quản lý dự trữ đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy trình, quy phạm bảo quản, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật. Tuy nhiên, công tác xây dựng quy chuẩn và định mức hàng DTQG nói chung còn chậm.
Có thể nói, trong năm 2016, sự phối hợp trong công tác quản lý hàng DTQG của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ đã được tăng cường và chủ động hơn trước. Đặc biệt, trong việc đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung vốn mua tăng và mua bù các mặt hàng DTQG, từng bước góp phần tăng cường nguồn lực DTQG... Sự phối hợp giữa các bộ, ngành theo đó cũng diễn ra nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả.
PV: Nguồn lực DTQG luôn sẵn sàng, chủ động sử dụng khi có yêu cầu cấp bách, Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn về công tác này được thực hiện như thế nào trong giai đoạn vừa qua?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí: Từ đầu năm 2016 đến 15/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 2.152 tỷ đồng. Trong đó:
Bộ Tài chính xuất cấp các mặt hàng DTQG tổng trị giá 1.738 tỷ đồng. Cụ thể: xuất 150.968 tấn gạo trị giá khoảng 1.480 tỷ đồng (hỗ trợ Tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và ảnh hưởng của thiên tai, hỗ trợ cho học sinh, hỗ trợ dự án trồng rừng...); xuất cấp các mặt hàng vật tư thiết bị tổng trị giá khoảng 255 tỷ đồng; xuất cấp 1.500 tấn muối trị giá khoảng 3 tỷ đồng cho người dân tỉnh Hà Tĩnh bị ảnh hưởng lũ lụt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện xuất cấp tổng trị giá khoảng 280 tỷ đồng, gồm: 110 tấn hạt giống rau, 3.291 tấn hạt giống lúa, 615 tấn hạt giống ngô, 498.175 liều vắc xin LMLM 2type (O+A), 2.275.772 liều vắc xin LMLM typO, 450.000 liều vắc xin dịch tả lợn, 243.000 lít thuốc sát trùng các loại, 705 tấn thuốc sát trùng tôm Chlorine để phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Bộ Công an xuất cấp 9 danh mục mặt hàng chuyên ngành an ninh.
Bộ Y tế xuất cấp 462 thiết bị y tế DTQG cho các bệnh viện công lập, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để phục vụ công tác phòng và chữa bệnh…
Theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Bộ Tài chính đang thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ: Xuất cấp không thu tiền 380.000 liều vắc xin LMLM type O; 200.000 liều vắc xin Dịch tả lợn và 40 tấn hóa chất Sodium Chlorite 20%; 10.000 lít hóa chất sát trùng Han-Iodine; 10.000 lít hóa chất sát trùng Vetvaco-Iodine, với tổng trị giá khoảng 10,49 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận để phòng chống dịch bệnh, ổn định sản xuất,
Xuất cấp 1.000 tấn gạo trị giá khoảng 9,5 tỷ đồng để cứu đói nhân dân sau mưa lũ tại tỉnh Phú Yên; 2.000 tấn gạo trị giá khoảng 19 tỷ đồng để cứu đói nhân dân sau mưa lũ tại tỉnh Bình Định.
PV: Mặc dù vậy, hoạt động của ngành DTQG vẫn vướng phải những khó khăn cần khắc phục, xin Thứ trưởng chia sẻ một chút về phương hướng khắc phục những khó khăn trên?
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí: Trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí tăng cường nguồn lực cho DTQG, nhất là các mặt hàng phục vụ nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hàng an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển đảo để sẵn sàng, chủ động đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Đối với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG, đề nghị phối hợp với địa phương thẩm tra chính xác nhu cầu hàng DTQG cần hỗ trợ, trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp, đảm bảo việc sử dụng hàng DTQG đúng mục đích và hiệu quả. Quy trình xuất DTQG mất nhiều thời gian, do qua nhiều khâu thủ tục hành chính, nên cần khẩn trương đảm bảo được tính kịp thời, tính khẩn cấp của công tác DTQG.
Đặc biệt, cần phát huy sức mạnh đoàn kết tập thể, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Công tác kiểm tra giám sát việc phân phối sử dụng hàng DTQG cần được tăng cường, bảo đảm hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng…
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!