8 dự báo kinh tế Việt Nam 2014
(Tài chính) Chúng ta đang ở vào tháng cuối cùng cùa năm 2013, một năm ghi nhận nhiều thành tựu về mặt ổn định vĩ mô nhưng vẫn còn đó khá nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Đặc biệt là đề án tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa có bước tiến đáng kể và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của những năm tiếp theo.
Không chỉ có TPP, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác khác như Cộng đồng Kinh tế chung Đông Nam Á (AEC), Hiệp định thương mại tự do với châu Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Để giúp độc giả mường tượng một bức tranh toàn cảnh hơn về nền kinh tế Việt Nam trong năm sau, phóng viên đã đưa ra 8 dự báo về các khía cạnh nổi bật nhất của nền kinh tế năm 2014. Những dự báo này được đưa ra dựa trên báo cáo của các tổ chức quốc tế và trong nước như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng HSBC, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2013, Công ty Chứng khoán MB, Công ty Tư vấn Bất động sản Jones Lang LaSalle Vietnam.
Tăng trưởng khiêm tốn, lạm phát cao hơn
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2014 sẽ cải thiện hơn so với năm 2013 nhưng không nhiều. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam chỉ đạt 5,3% và tăng thêm chỉ 0,1 điểm phần trăm vào năm sau. Dự báo này có thể xem là hợp lý khi tổng mức đầu tư toàn xã hội so với GDP cho năm 2014 được định hướng vào khoảng 30%, tức tương đương năm nay.
Đối với một nền kinh tế đang phát triển với nguồn lực trẻ dồi dào như Việt Nam, con số tăng trưởng quanh mốc 5% không phải là kết quả đáng phấn khởi. Tăng trưởng thấp kéo theo số lượng công việc mới tạo ra không lớn và sẽ khó đáp ứng được một lượng lớn thanh niên đến tuổi trưởng thành hay mới ra trường.
Trong khi tăng trưởng vẫn khiêm tốn thì lạm phát có khả năng sẽ cao hơn nhiều so với năm nay khi các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, dù chậm, cũng góp phần khiến giá cả hàng hóa cao hơn, gây sức ép làm gia tăng lạm phát trong nước.
Các chính sách điều hành giá điện, than, xăng dầu, gas, nước dần được nới lỏng hơn cũng góp phần tăng kỳ vọng về lạm phát năm sau. Tuy vậy, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn quá yếu sẽ hạn chế phần nào tốc độ tăng của giá cả hàng hóa.
Theo tính toán của Ngân hàng HSBC, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm sau sẽ tăng đến 8,3%, một sự khác biệt khá lớn so với con số khoảng 6,6% năm nay. Với viễn cảnh lạm phát cao hơn, khả năng thực hiện tiếp các đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Đồng Việt Nam giảm giá trong biên độ hẹp
Việc lạm phát nhiều khả năng cao hơn trong năm sau sẽ khiến tiền đồng mất giá. Tiền đồng bị mất giá còn do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang giảm dần và tiến đến kết thúc gói nới lỏng định lượng, khiến đồng bạc xanh mạnh dần lên.
Tuy vậy, luồng vốn FDI và ODA khả quan hơn và thâm hụt thương mại không lớn sẽ hỗ trợ tốt cho giá trị của tiền đồng. Do đó, biên độ giảm giá có thể sẽ chỉ vào khoảng 2-3% cho năm sau. HSBC dự báo tỉ giá cho năm sau sẽ đứng ở mức 21.500 VND/USD, tức tỉ giá có thể tăng thêm 1,1%.
Một năm đáng buồn của giá vàng
Vàng đang chịu một kết cục buồn khi rớt giá thê thảm trong năm nay. Điều này có thể sẽ tiếp tục trong trong năm tới khi đồng USD đang mạnh lên, khiến giá vàng thế giới đi xuống. Trong nước, chính sách độc quyền của Ngân hàng Nhà nước về nhập khẩu và mua bán vàng cuối cùng khiến sức cầu của thị trường trầm lắng. Lạm phát có cao hơn trong năm sau nhưng nhìn chung vẫn ở mức kiểm soát được (dưới 1 con số) và điều này sẽ khiến giá vàng khó tăng mạnh trở lại.
DN trong nước vẫn gặp khó
Năm 2013 tiếp tục chứng kiến một lượng lớn DN rời cuộc chơi. Tính đến hết tháng 11/2013, đã có gần 55.000 DN giải thể và ngừng hoạt động, cao hơn con số của cả năm 2012 và 2011. Sức tiêu thụ của thị trường yếu, tín dụng ngân hàng bị siết chặt, khả năng cạnh tranh thấp, thị trường bất động sản chưa khởi sắc sẽ khiến DN trong nước tiếp tục chật vật tìm chỗ đứng.
Tuy vậy, việc đầu tư công được mở rộng và thị trường thế giới phục hồi sẽ giúp cải thiện phần nào nguồn thu của các DN. Nhìn chung, 2014 sẽ vẫn là một năm khó khăn của các DN trong nước.
FDI vẫn là ngôi sao
Trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục đình trệ, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là phao cứu sinh của nền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, tính đến tháng 11/2013, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lên tới hơn 20 tỉ USD, tăng đến 54% so với cùng kỳ năm trước. Các quốc gia đầu tư mạnh vào Việt Nam là Nhật, Singapore và Hàn Quốc.
Vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lao động giá rẻ và dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn với 90 triệu dân cùng viễn cảnh lợi ích do các hiệp định thương mại như TPP, AEC mang lại cũng sẽ giúp cho FDI vào Việt Nam tiếp tục khả quan trong năm tới.
Ngoài ra, chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng lên và vấn đề xung đột lãnh thổ phức tạp sẽ khiến các quốc gia có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn như Nhật, Hàn Quốc cân nhắc thay đổi địa điểm đầu tư và Việt Nam là một trong những điểm đến đó.
Theo HSBC, luồng vốn FDI sẽ mang đến những lợi ích đáng kể cho DN trong nước ở các khía cạnh như học hỏi công nghệ, cung ứng nguyên vật liệu và các bộ phận sản xuất cho các DN đa quốc gia. Ngoài ra, sức ép về nguồn nhân lực có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cẩu của các DN nước ngoài cũng tác động tích cực lên hệ thống giáo dục trong nước, buộc các trường đại học, cao đẳng phải thay đổi để thích ứng.
Nợ xấu sẽ tăng chứ không giảm
Dù công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC đã được thành lập, nhưng nhìn chung, hoạt động của nó vẫn chỉ dừng ở mức tạm thời là nơi nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng. Còn cơ chế xử lý nợ triệt để hay bán nợ cho bên thứ ba vẫn chưa định hình rõ ràng và điều này sẽ khiến việc xử lý nợ xấu tiếp tục đình trệ trong năm sau.
Ngoài ra, sau một thời gian bị trì hoãn, Thông tư 02 về phân loại lại nợ xấu sẽ có hiệu lực trở lại kể từ ngày 1/6/2014 và điều này có thể sẽ khiến nợ xấu tăng mạnh.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, năm nay đã có hơn 300.000 tỉ đồng được bật đèn xanh “tái cơ cấu” mà trong đó có tới 60%, tức 180.000 tỉ đồng, đã ngay lập tức chuyển thành nợ xấu nếu không được tái cơ cấu. Con số “tạm giấu” này nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm sau, đẩy tăng nợ xấu.
Thêm vào đó, nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp, số lượng DN giải thể và ngừng hoạt động không giảm, cùng một hệ thống luật pháp về phá sản chưa được sửa đổi cho phù hợp với thực tế sẽ khiến bức tranh nợ xấu ảm đạm thêm.
Trong bối cảnh nguồn lực trong nước có hạn, việc mở cửa rộng hơn đối với khu vực tài chính Việt Nam có lẽ là điều bắt buộc phải làm để có thể thu hút một lượng vốn mới tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng trong nước.
M&A sẽ sôi động hơn
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm sau sẽ nhộn nhịp hơn vì nhiều lý do. Đó là tác động từ việc cổ phần hóa DN nhà nước khi số lượng DN nhà nước được cổ phần hóa trong năm sau nhiều khả năng sẽ tăng mạnh khi Chính phủ đang tỏ ra kiên định hơn trong việc tái cấu trúc khu vực này.
Theo phát biểu mới đây của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm phân nửa số lượng DN nhà nước hiện nay xuống còn 600 DN đến năm 2015 và 300 DN đến năm 2020.
Ngoài ra, chính sách nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài (có thể lên đến 60%) sẽ tác động mạnh đến nguồn vốn từ bên ngoài khi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội nhảy vào vào những lĩnh vực giàu tiềm năng của Việt Nam như ngân hàng, chứng khoán, nông nghiệp, bất động sản, tiêu dùng. Viễn cảnh hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế khu vực và thế giới cũng là lý do giới đầu tư nước ngoài muốn đầu tư hoặc đẩy mạnh sở hữu ở các công ty trong nước.
Một điều nữa là các DN trong nước đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc toàn diện và tiến hành M&A với các DN khác để gia tăng năng lực cạnh tranh. Trong năm 2013, Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A đình đám trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, thủy sản. Nhiều khả năng, các hoạt động này sẽ tăng mạnh trong năm 2014.
Bất động sản tiếp tục đóng băng
2013 là một năm đáng buồn của thị trường bất động sản khi giá giảm liên tục. Điều này có thể sẽ tái diễn trong năm 2014 khi nguồn cung nhà tiếp tục tăng trong khi sức tiêu thụ vẫn yếu. Tuy vậy, đến cuối năm 2014, thị trường có thể sẽ khả quan hơn nhờ các hoạt động M&A cũng như sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế. Chính sách xem xét nới lỏng điều kiện mua nhà tại Việt Nam của người nước ngoài sẽ tác động tích cực đến thị trường. Nhưng nhìn chung, các DN hoạt động bất động sản sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm tới.