8 lý do khiến Bitcoin mất hơn phân nửa giá trị chỉ trong 2 tháng
Ethereum, đồng tiền số lớn thứ hai theo giá trị vốn hóa thị trường, và được kỳ vọng sẽ qua mặt Bitcoin, hiện chỉ còn cách đồng tiền số lớn nhất thế giới này 50 tỷ USD để đuổi kịp về giá trị vốn hóa.
Đầu tháng 12 năm ngoái, Bitcoin có giá gần 20.000 USD. Tuy nhiên, tính đến ngày 01/02/2018 vừa qua, giá Bitcoin chỉ còn chưa tới 9.000 USD. Mức giảm 55% đã "thổi bay" 175 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền số này. Thật vậy, Ethereum, đồng tiền số lớn thứ hai theo giá trị vốn hóa thị trường, và được kỳ vọng sẽ qua mặt Bitcoin, hiện chỉ còn cách đồng tiền số lớn nhất thế giới này 50 tỷ USD.
Vậy điều gì đã khiến Bitcoin mất đến 175 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng? Có thể nói rằng đó là sự kết hợp của cả 8 yếu tố sau đây:
1. Hàn Quốc siết chặt thòng lọng dành cho sự ẩn danh
Đầu tiên là những chính sách kiểm soát tiền số chặt hơn của Hàn Quốc đang làm cho Bitcoin và các đồng tiền số khác lo sợ. Từ 30/01/2018, Hàn Quốc chỉ cho phép các cá nhân có tài khoản ngân hàng đã được xác minh giao dịch trên các sàn tiền số. Trước khi có quy định này, người dùng có thể ẩn danh, nhưng động thái này của Hàn Quốc bảo đảm một bước tiến trong sự minh bạch.
Động thái này đặc biệt đáng chú ý nếu xét đến việc đồng won của Hàn Quốc là loại tiền tệ được dùng nhiều thứ hai trên toàn cầu trong giao dịch Bitcoin, sau đồng USD, hồi năm ngoái. Dù các nhà điều hành Hàn Quốc đã nỗ lực để trấn an nhà đầu tư rằng họ không cố gắng "đàn áp" việc giao dịch hay đầu tư tiền số, nhưng ẩn danh là một trong nhiều thuận lợi không thể phủ nhận khi đầu tư Bitcoin và những đồng tiền ảo khác. Và khi điều đó không còn là một chọn lựa nữa thì nhà đầu tư Bitcoin rõ ràng lo lắng rằng các quốc gia khác có thể bắt chước làm theo.
2. Facebook chặn quảng cáo tiền số
Trong tuần này, gã khổng lồ mạng xã hội Facebook đã thông báo rằng họ sẽ chặn quảng cáo tiền số và ICO (một hình thức huy động vốn cho tiền ảo).
Facebook hiện có 2,13 tỷ người dùng hàng tháng, và những trang khác của họ như WhatsApp, Instagram, và Facebook Messenger đều nằm trong nhóm 7 trang web có lượng người dùng cao nhất. Việc tiền số không còn được quảng cáo, hay "kể chuyện của mình", trên Facebook sẽ khiến cho nó mất đi cơ hội tạo ra hàng tỷ ấn tượng tiềm năng. Vì "truyền miệng" trước giờ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đẩy các mức định giá lên cao hơn, nên động thái này của Facebook có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến Bitcoin và thị trường tiền số.
3. Trộm cắp đang trở thành một vấn đề thu hút nhiều sự chú ý
Dù các sự kiện được đưa tìn nhiều là một điều tích cực cho Bitcoin, như Nhật Bản cho phép đồng tiền này được thanh toán như một loại tiền chính thức hồi năm ngoái, nhưng chúng cũng có thể "kéo Bitcoin xuống bùn". Một số sự kiện tin tặc đánh cắp tiền số trong thời gian gần đây đã tạo ra một bóng đen u ám lên tính an toàn của công nghệ blockchain.
Chẳng hạn, dịch vụ đào tiền số NiceHash hồi tháng 12 đã thông báo rằng số Bitcoin gần 70 triệu USD của họ đã bị đánh cắp, đại diện cho một trong những vụ đánh cắp qua mạng lớn nhất trong lịch sử. Thậm chí là gần đây hơn, các tin tặc đã cuỗm đi 534 triệu USD NEM từ sàn giao dịch tiền số Coincheck của Nhật Bản, vượt cả con số hơn 450 triệu USD mà Mt. Gox bị mất năm 2014. An ninh vẫn là một mối lo ngại rõ ràng trong việc tiền số được thừa nhận rộng rãi hơn.
4. Tốc độ xử lý của Bitcoin đã bị cản bước tiến
Blockchain của Bitcoin hiện không còn được ấn tượng như trước đây. Mặc dù Bitcoin là nhân tố chính giúp blockchain được chú ý, nhưng sự thay đổi quy mô trong mạng lưới bitcoin, với ngày càng nhiều người bán hơn, đã khiến cho người dùng phải ao ước có được nhiều thứ hơn.
Theo một phân tích tốc độ giao dịch cho HowMuch.net thực hiện, Bitcoin chỉ có thể xử lý 7 giao dịch trong một giây. Trong khi đó, "ông lớn" trong lĩnh vực xử lý thanh toán là Visa hiện có thể xử lý lên tới 24.000 giao dịch/giây. Với thời gian xử lý trung bình lâu như thế, và phí giao dịch trung bình hiện lên tới 28 USD, thì "hào quang" blockchain của Bitcoin đã bị mất.
5. Những người hoài nghi giờ đây đã có cơ hội ủng hộ điều họ nói
Một lý do khác có thể khiến Bitcoin "gặp nạn" trong những tuần gần đây là những người hoài nghi cuối cùng đã có thể đặt cược vào Bitcoin, rằng đồng tiền này sẽ thất bại.
Trong khi thị trường chứng khoán cho phép nhà đầu tư kiếm tiền nếu một cổ phiếu tăng hoặc giảm giá, thì nhà đầu tư trên sàn giao dịch tiền số trước đây chỉ có một phương tiện kiếm tiền – đó là đồng tiền ảo đó phải tăng giá cao hơn. Không có bất kỳ công cụ nào khác để đặt cược vào sự giảm giá của một loại tiền số.
Tuy nhiên, hồi tháng 12, cả CBOE Global Markets lẫn CME Group đã cho phép giao dịch các hợp đồng tương lai bằng bitcoin. Việc giao dịch các hợp đồng tương lai hiện cho phép những người bi quan đặt cược vào sự thất bại của bitcoin, vì thế có thể kiếm tiền nếu nó giảm giá.
6. Chốt lời
Có lẽ chúng ta cũng không nên bỏ qua một điều rõ ràng: Chốt lời. Bitcoin đã tăng từ mức chỉ 1 USD/đồng hồi tháng 03/2010 lên gần 20,000 USD hồi tháng 12/2017, nghĩa là một vụ đầu tư 1.000 USD đã biến thành hàng tỷ USD. Dù không thể hiện tốt bằng những đồng tiền số khác trong năm 2017 nếu tính theo phần trăm, nhưng mức lợi nhuận gần 1.400% của Bitcoin vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với thị trường chứng khoán. Rất có thể rằng một số nhà đầu tư đã chốt lời và đẩy giá Bitcoin xuống thấp hơn bằng những lệnh bán của họ.
7. Cơn thủy triều cảm xúc đã đổi chiều
Ngoài ra, đừng bỏ qua vai trò mà các cảm xúc có thể đã đóng trong đó. Dù cuối cùng giới đầu tư đến từ các tổ chức cũng đã có được một "đại lộ" để tác động trực tiếp đến Bitcoin thông qua giao dịch hợp đồng tương lai, nhưng phần lớn thị trường tiền số vẫn thuộc về nhà đầu tư bán lẻ.
Nhả đầu tư bán lẻ đã cho thấy rằng họ có xu hướng cho phép cảm xúc của mình tham gia cuộc chơi. Điều này có thể dẫn tới việc đẩy mức định giá lên quá cao hoặc xuống quá thấp. Có thể rằng những nhà đầu tư bán lẻ đã đánh giá quá cao việc áp dụng công nghệ blockchain và các đồng Bitcoin như là một phương tiện mua hàng hóa và dịch vụ, để rồi giờ đây họ đang trả giá cho điều đó.
8. Các cổ phiếu truyền thống đã quá mạnh
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các cổ phiếu truyền thống đã và đang thể hiện thật sự, thật sự tốt.
Năm ngoái, S&P 500 đã tăng gần gấp 3 lần so với mức trung bình lịch sử của mình, và lợi suất trái phiếu Mỹ thời hạn 10 năm đã chạm 2,7%, mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Điều này không phải để nói rằng lợi suất 2,7% sẽ khiến nhà đầu tư từ bỏ phần đầu tư của họ vào tiền số, vốn đã tăng 1.000% hay 10.000%, mà để chỉ ra rằng các "đại lộ" dẫn tới tăng trưởng an toàn hơn và ít biến động hơn hiện đang tồn tại. Sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu nhà đầu tư đang đa dạng hóa tài sản của họ một chút, với những đồng tiền số như Bitcoin được bán để thay thế cho cổ phiếu và trái phiếu.