Thông điệp từ việc ngăn công ty chứng khoán “chơi” tiền ảo

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán không được tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền ảo và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Công ty chứng khoán không được tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền ảo. Nguồn: Internet
Công ty chứng khoán không được tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền ảo. Nguồn: Internet
Đây là lần đầu tiên UBCKNN đưa ra khuyến cáo đối với_hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chưa được pháp luật thừa nhận

Theo UBCKNN, hiện nay trên thị trường một số công ty có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số, huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác như quỹ cộng đồng (crowdfunding), nền tảng cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), công nghệ chuỗi khối (blockchain)… Đây là sản phẩm mới chưa được pháp luật điều chỉnh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo giám đốc một công ty chứng khoán, tại những thị trường lớn, tiền ảo chỉ là sản phẩm đầu cơ, nhưng đối với những quốc gia kém minh bạch hơn, thị trường tiền ảo được nhìn nhận như một nơi giữ tiền bí mật, có thể để tiền vào đây và rút tại chỗ khác.

Do đó, UBCKNN yêu cầu, trong khi chờ cấp có thẩm quyền ban hành khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm mới này, các tổ chức kinh doanh chứng khoán không tham gia hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền kỹ thuật số cũng như các sản phẩm công nghệ tài chính khác và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng khung pháp lý để quản lý và xử lý tiền ảo và các tài sản ảo. Khung pháp lý này do Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính phối hợp xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2018.

Hoạt động đầu tư vào tiền ảo của các nhà đầu tư cá nhân đã nở rộ trên thị trường từ năm 2017 nhưng hoạt động này chưa được pháp luật thừa nhận.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP năm 2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức 150 – 200 triệu đồng.

Cần phải nói thêm là tiền ảo không phải là vật chất, phần lớn không có giá trị thanh toán, nhưng vẫn được quy đổi thành tiền mặt với giá thay đổi mỗi ngày, từ đó đang tạo bão trong đời thực, giống như kinh doanh đa cấp.

Tuy nhiên dù bị cấm, nhiều người vẫn tham gia đầu tư vào tiền ảo dưới nhiều hình thức với mong muốn kiếm lợi nhuận “khủng”.

Rủi ro tiềm ẩn

Thời gian qua, đã có quá nhiều sự việc xảy ra trên thị trường tiền ảo, gây ra những hậu quả nặng nề cho các nhà đầu tư.

Tháng 12/2017, sàn giao dịch bitcoin Nice Hash bị hack, lấy đi hơn 70 triệu USD của nhà đầu tư, khiến một gia đình ba người phải “bỏ mạng”. Tại Hà Nội, một hệ thống laser trả lãi 3%/ngày để huy động tiền chơi bicoin và một số loại coin khác đã sập, tất nhiên, trong số các nhà đầu tư có rất nhiều người Việt đã mất sạch tiền.

Sàn giao dịch Youbit của Hàn Quốc cũng bị tin tặc tấn công, lấy mất 17% tài sản kỹ thuật số của mình và thậm chí đã nộp đơn xin phá sản.

Tuy nhiên, những chuỗi ngày đen tối của thị trường này chỉ bắt đầu từ ngày 16/1/2018, sau khi sàn giao dịch BitConnect đóng cửa và ngừng các dịch vụ cho vay (lending) và giao dịch (exchange). Từ mức giá trên 400 USD đồng Bitconnect đã rơi tự do và có thời điểm chỉ còn 27,19 USD, giảm đến 91,07% giá trị.

Khác với Bitcoin hay các loại tiền ảo khác, hình thức của Bitconect gần giống với hoạt động ủy thác của các quỹ tài chính trên thế giới, huy động vốn của các nhà đầu tư và trả lãi hàng tháng, một dạng của đa cấp tiền ảo, với mức lãi suất cao ngất 30-40%/ tháng, tương đương 1%/ngày.

“Vận hạn” cũng không buông tha ngay cả bitcoin – đồng tiền được giới đầu tư săn đón nhất, với mức tăng trưởng chóng mặt, và cả những đồng tiền ảo khác.

Vào lúc hơn 9h sáng 31/1 theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin trên trang Coinmarketcap.com giảm gần 11% so với 24 tiếng trước đó, còn 9.933 USD. Cùng với sự giảm giá của bitcoin, 20 đồng tiền lớn nhất thế giới khác cũng chìm trong sắc đỏ.

Ethereum giảm khoảng 10%, còn 1.050 USD; Ripple giảm 15,5%, còn 1,09 USD; stellar cũng bị giảm 17% xuống còn 49 cent… các đồng còn lại đồng loạt giảm với mức giảm từ 4-19%.

Theo Coinmarketcap.com, kể từ đầu năm đến nay, giá bitcoin giảm 28% với tổng vốn hóa hiện nay là 170 tỷ USD, trong khi Ethereum tăng khoảng 42%, vốn hóa của đồng tiền này đạt khoảng 104 tỷ USD.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 30/1, Facebook đã cấm các loại quảng cáo có liên quan tới Bitcoin, tiền kỹ thuật số và hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu (ICO). Facebook cho biết, họ cởi mở với những công nghệ mới nổi lên, nhưng có nhiều công ty không đáng tin cậy khi lôi kéo khách hàng mua tiền ảo.

Các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo thận trọng đối với các nhà đầu tư, bởi khi thị trường tiền ảo phát triển bùng nổ thì càng có nhiều dự án lừa đảo, lợi dụng sự nôn nóng của nhà đầu tư.

Vụ việc “sập sàn” Bitconnect đã cho thấy nguy cơ mất trắng hoàn toàn có thể xảy ra khi thị trường tiền ảo không hề có một chỗ dựa bảo đảm về pháp lý hay kinh tế, càng không phải là một tổ chức hay định chế tài chính được công nhận.