9 tháng, chống buôn lậu, gian lận thương mại thu nộp ngân sách trên 12.388 tỷ đồng


Ngày 24/10, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội nghị giao ban thường trực quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV/2019.

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia  cho biết, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp.

Hội nghị giao ban thường trực quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV/2019 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Nguồn: bcd389.gov.vn
Hội nghị giao ban thường trực quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV/2019 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Nguồn: bcd389.gov.vn

Trong đó, nổi cộm là hiện tượng các đối tượng vận chuyển trái phép ma túy; thuê nhà xưởng sản xuất ma túy; buôn bán hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Điển hình, trong các tháng gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ gần 13 tấn pháo nổ vận chuyển trái phép qua biên giới tại Lạng Sơn (ngày 5/9); Bộ đội Biên phòng Quảng Trị chủ trì triệt phá vụ vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới quy mô lớn, bắt giữ 2 đối tượng người Lào và 215.000 viên ma túy tổng hợp (ngày 4/10)…

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra rất phức tạp. Ngày 7/8, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1 đối tượng người nước ngoài, phát hiện trong ổ bụng đối tượng có 77 viên nén với trọng lượng khoảng 1,555 kg cocaine.

Trên tuyến đường biển, cảng biển, ngày 4/10, tại khu vực biển Bà Rịa -Vùng Tàu, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện và kiểm tra tàu Thanh Châu đang vận chuyển khoảng 500.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc…

Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị.

Đặc biệt, đầu tháng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- C04 (Bộ Công an) chủ trì phát hiện nhóm 8 người Trung Quốc thuê xưởng tại tỉnh Kon Tum để sản xuất trái phép ma túy, thu giữ hơn 13 tấn tiền chất và 20 tấn máy móc thiết bị. Nếu để các đối tượng sản xuất thành công sẽ cho ra khoảng 1 tấn ma túy tổng hợp dạng đá- Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh.

Trước tình hình, diễn biến phức tạp trên, trong 9 tháng đầu năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đấu tranh và đạt những kết quả tích cực.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 19/KH-BCĐ389 vể tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, uy tín, thương hiệu hàng Việt Nam; Đồng thời, ban hành các văn bản tham mưu xử lý các nội dung Chính phủ chỉ đạo, như: tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất; xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả, kém chất lượng,...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chức năng có liên quan sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm chấn chỉnh những bất cập trong thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng, ngăn chặn việc lợi dụng vi phạm pháp luật.

Qua đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 12.388 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng đã khởi tố 1.635 vụ với 1.908 đối tượng.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết,  tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa đang diễn biến hết sức phức tạp. Hàng hóa có nguy vi phạm từ hàng tiêu dùng đến khoáng sản, hàng cấm là động thực vật hoang dã, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia, hàng hóa vi phạm về xuất xứ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính  Vũ Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Nguồn: bcd389.gov.vn
Thứ trưởng Bộ Tài chính  Vũ Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Nguồn: bcd389.gov.vn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng- Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Tổng cục Hải quan vừa chủ trì phối hợp với Văn phòng Thường trực xây dựng và ban hành hàng loạt kế hoạch chuyên đề để tăng cường đầu tranh với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm như: Hàng hóa vi phạm về xuất xứ; khoáng sản; đường cát, thuốc lá, hàng điện tử đã qua sử dụng…

Đồng thời, để nâng cao hiệu quá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho rằng cần đánh giá, phân tích, chỉ rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng, các địa phương thông qua từng vụ việc cụ thể, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. 

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính  Vũ Thị Mai biểu dương những kết quả đạt được của các lực lượng chức năng. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa. Trong đó, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm có trị giá cao, thuế suất lớn; hàng cấm như ma túy, động thực vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi, hàng hóa vi phạm về xuất xứ…

Cùng với đó, cần tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia như: Kế hoạch liên quan đến hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan; Kế hoạch chống gian lận, trốn thuế qua thương mại điện tử; Kế hoạch liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về sở hữu trí tuệ; Kế hoạch chuyên đề vừa được Tổng cục Hải quan chủ trì xây dựng, ban hành…

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo tại những địa bàn trọng điểm; làm tốt công tác phối hợp, “hiệp đồng tác chiến” giữa các bộ, ngành và giữa các bộ, ngành với địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cho người dân không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu…; nâng cao hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tương, siết chặt kỷ cương kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chống buôn lậu…