9 tháng đầu năm: Doanh nghiệp mới “chất” hơn về vốn
(Tài chính) Theo đó, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp đạt 6 tỷ đồng, tăng tới 24,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 320.349 tỷ đồng, giảm 8,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Chính vì lẽ đó, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 6 tỷ đồng, tăng tới 24,6% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 795,2 nghìn lao động,
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh của cả nước là 48.330 doanh nghiệp, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: có 7.027 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 8.440 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 32.863 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Một tín hiệu tích cực là số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2014 là 11.872 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Về ngành nghề đăng ký, trong 9 tháng đầu năm ghi nhận xu hướng tốt lên của ngành sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 14% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; giảm 26,1% doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động). Một số ngành đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động tăng số lượng doanh nghiệp gia nhập, cũng như số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước, như: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (thành lập mới tăng 26,2%; dừng hoạt động tăng 6,8%); Kinh doanh bất động sản (thành lập mới tăng 23,4%, dừng hoạt động tăng 9,3%)... Một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ năm trước, như: Bán buôn, bán lẻ; Sửa chữa ô tô, xe máy; Dịch vụ việc làm; Du lịch; Xây dựng...
Tây Nguyên là vùng có quá trình gia nhập, sàng lọc và đào thải doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ, với tỷ lệ doanh nghiệp phải giải thể (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước) gần bằng với doanh nghiệp thành lập mới (tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước).
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp tại các vùng Đồng bằng sông Hồng; Trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long lại đang thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn, khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong bối cảnh số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động lại tăng so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như: Hòa Bình (doanh nghiệp thành lập mới giảm 30,7%; doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động tăng 63,8%); Hà Tĩnh (doanh nghiệp thành lập mới giảm 4,4%; doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động tăng 114,6%); TP. Hồ Chí Minh (doanh nghiệp thành lập mới giảm 11,4%; doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động tăng 15,7%)...
Trong bức tranh còn nhiều biến động và khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp cả nước, thì vẫn có một số địa phương có những tín hiệu tích cực khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng và số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013, như: Thái Bình (tăng 4,7%; giảm 34,7%); Hà Giang (tăng 3,3%; giảm 50,0%); Đắc Nông (tăng 76,1%; giảm 21,9%)...