9 tháng năm 2022, ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021; xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ,…
Đó là một số kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 9 tháng năm 2022 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 3/10, tại Hà Nội.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng năm 2022, mặc dù ngành Nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,…) tăng mạnh những tháng đầu năm, khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng bởi tác động kép của xung đột Nga – Ukraine...
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt. Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản 9 tháng năm 2022 đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%.
Riêng về xuất khẩu nông lâm thủy sản, 9 tháng năm 2022 ước đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%,…Đến nay, đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
“Chính kết quả của ngành Nông nghiệp trong 9 tháng đã góp phần quan trọng để tăng GDP của đất nước. Các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp đã góp phần vào phát triển kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, Bộ NN&PTNT cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, để đạt các mục tiêu đã đề ra, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, phát triển thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trọng nước. Phát triển hệ thống lưu thông tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống. Xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường; tăng cường hợp tác quốc tế, tháo gỡ rào cản kỹ thuật,…
“Từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, về xuất khẩu còn nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, dấu hiệu tồn kho còn, sức mua giảm. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50 tỷ USD thì chúng ta sẽ hết sức phấn đấu, cố gắng thông qua các giải pháp về thị trường để đảm bảo mục tiêu đề ra” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.