Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau tăng tốc về đích
Điểm nhấn của ngành nông nghiệp thời điểm hiện nay là sản lượng thuỷ sản tăng so với cùng kỳ; cùng với đó giá tôm sú ổn định, giá tôm thẻ nguyên liệu cũng tăng so với tháng trước. Thu hoạch tôm truyền thống và quảng canh cải tiến đạt khá; tình hình cua, tôm chết trên địa bàn vẫn còn rải rác nhưng mức độ thiệt hại nhẹ, một số hộ dân đã bắt đầu thả giống trở lại, tỷ lệ thả khoảng 60-70%. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhất định do thiên tai, sạt lở, nhưng ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế để có bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
Ngành tôm tăng trưởng khá
Tổng sản lượng thuỷ sản trong tháng qua đạt 51.620 tấn, luỹ kế từ đầu năm đến nay 362.058 tấn, đạt 57,47% so kế hoạch, tăng 1,03% so cùng kỳ năm 2021. Sản lượng khai thác thuỷ sản trong tháng qua đạt 19.620 tấn, luỹ kế 136.235 tấn, đạt 59,23% so kế hoạch, bằng 94,33% so cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng, là cơ sở quan trọng để tỉnh hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu thuỷ sản trong điều kiện kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau, hiện nay các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022, với giá ổn định và tiếp tục đàm phán, thoả thuận ký kết cho giai đoạn tiếp theo. Xuất khẩu tôm thuận lợi kéo theo giá tôm nguyên liệu tăng, người nuôi tôm phấn khởi.
Tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở các vùng nuôi tôm trọng điểm như Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển… phong trào nuôi tôm công nghiệp theo hướng siêu thâm canh đang dần sôi động trở lại sau thời gian cầm chừng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Là hộ có thâm niên và kinh nghiệm trong ngành nuôi tôm công nghiệp, ông Nguyễn Chí Trường, ấp Tân Hoà A, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bộc bạch: “Năm qua, hoạt động nuôi tôm công nghiệp của gia đình theo hướng liên kết, cầm chừng, chờ cơ hội để phát triển. Đến nay, các yếu tố đầu vào của nghề nuôi tôm thuận lợi hơn, gia đình bắt đầu khôi phục lại các ao nuôi theo hướng siêu thâm canh. Hy vọng với những trợ lực của ngành nông nghiệp, người nuôi tôm sẽ lấy lại phong độ ban đầu bằng những vụ nuôi hiệu quả hơn”.
Các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm được thành lập không chỉ cùng nhau sản xuất mà còn là nơi kết nối, liên kết với các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu. Với gần 200 hợp tác xã nông nghiệp, gần 800 tổ hợp tác, 1 liên hiệp hợp tác xã, tạo thành cộng đồng kinh tế tập thể rất lớn; góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm trong thời gian tới.
Tập trung tăng năng suất, sản lượng tôm nuôi
Trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ngành hàng tôm theo hướng tăng năng suất cũng như sản lượng theo hướng bền vững hơn; phát triển chuỗi sản xuất chặt chẽ hơn. Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất sản phẩm cũng như hiệu quả vụ nuôi; phát huy lợi thế tôm sinh thái, tôm hữu cơ, tôm - lúa có chứng nhận nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Các địa phương khẩn trương sửa chữa, duy tu, rà soát, phân cấp quản lý các công trình thuỷ lợi để phát huy hiệu quả các công trình này trong phục vụ sản xuất của người dân.
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết, xuất khẩu thuỷ sản trong 7 tháng qua của Cà Mau đạt hơn 700 triệu USD, bình quân hơn 100 triệu USD; kết quả khả quan này hoàn toàn có cơ sở để tỉnh vượt kế hoạch hơn 1,1 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản. Để xuất khẩu tôm Cà Mau vượt chỉ tiêu đặt ra, ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các cách nuôi mới, mô hình nuôi mới: mô hình quảng canh cải tiến 3, 4 giai đoạn; nhân rộng mô hình sản xuất vùng nuôi tôm rừng và mở rộng vùng nuôi có chứng nhận quốc tế... Có vậy con tôm Cà Mau mới đi xa hơn ở những thị trường nước bạn.
Ông Lâm Thái Xuyên - Giám đốc Doanh nghiệp xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú), chia sẻ, sau hơn 1 năm tập đoàn xác lập kỷ lục vùng nuôi tôm sú sinh thái hữu cơ lớn nhất Việt Nam, hiện diện tích gần 10.000 ha tôm nuôi của hơn 2.000 hộ dân thuộc 3 xã: Viên An Ðông, Viên An và Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển) vẫn đang phát triển tốt. Công ty có nguồn tôm sạch, có nguồn gốc sản phẩm. Sinh kế người dân dưới tán rừng được đảm bảo, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, gìn giữ và phát triển nghề nuôi tôm rừng truyền thống.
Bằng việc chọn hướng đột phá, những tháng còn lại của năm, ngành nông nghiệp sẽ phát triển ngành hàng tôm theo hướng tăng năng suất, sản lượng và bền vững, song hành cùng việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao vào sản xuất. Tập trung sửa chữa các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất của người dân; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm