94% doanh nghiệp hài lòng về cải cách thủ tục hải quan
Sáng 12/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá sự chuyển biến của các chính sách, pháp luật hải quan trong giai đoạn 2010-2015 là tích cực và khá tích cực.
Cuộc khảo sát do VCCI, Tổng cục Hải quan, Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện từ tháng 4 đến tháng 6/2015.
Đa số doanh nghiệp đánh giá cao
Khảo sát năm 2015 nhận được 3.123 phiếu trả lời. Các nội dung bảng hỏi đối với doanh nghiệp gồm bốn nội dung: Tiếp cận thông tin pháp luật về thủ tục hải quan, Thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, Sự phục vụ của công chức hải quan và Kết quả giải quyết công việc.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI, kết quả khảo sát cho biết, cả bốn nội dung đều được doanh nghiệp đánh giá cao. Cụ thể, đối với phương thức tiếp cận thông tin pháp luật về thủ tục hải quan, các doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2015 tương đối hài lòng với các phương thức tiếp cận thông tin về hải quan hiện nay.
Theo đó, việc tiếp cận thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan được đánh giá cao nhất, với 89% doanh nghiệp hoàn toàn hài lòng. Tiếp đến là các hình thức tham gia các lớp tập huấn, tham dự đối thoại do cơ quan hải quan tổ chức, trực tiếp tới gặp, gọi điện và gửi công văn.
Về chất lượng các thông tin thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, có 81% doanh nghiệp tham gia cho biết các thông tin này sẵn có và dễ tìm và đã có được thông tin, 65% đánh giá các thông tin đơn giản và dễ hiểu.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong nắm bắt thông tin về pháp luật hải quan. Tỷ lệ doanh nghiệp tự tìm hiểu từ khi dự thảo văn kiện được xây dựng đã tăng từ 24% năm 2013 lên 29% năm 2015.
Bên cạnh đó, những cải thiện trong chất lượng dịch vụ công của cơ quan hải quan cũng đã được ghi nhận, khi tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được văn bản pháp luật do cơ quan hải quan thông báo từ khi dự thảo văn bản được xây dựng tăng đáng kể từ 12% năm 2013 lên20% năm 2015.
Trung bình, 54% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã từng gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về pháp luật hải quan. Và tỷ lệ hài lòng với việc trả lời vướng mắc của Tổng cục Hải quan và các Cục hải quan tỉnh, thành phố lần lượt là 77% và 76%.
Đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan hải quan khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đại đa số doanh nghiệp đều đánh giá sự hỗ trợ này là tích cực. Cụ thể, 77% doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ của cơ quan hải quan phần lớn là kịp thời, có 83% doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ này là hoàn toàn hiệu quả.
28% doanh nghiệp phải trả thêm chi phí ngoài quy định
Cuộc khảo sát cũng đánh giá về mức độ thực hiện kỷ cương của cán bộ hải quan qua 5 tiêu chí: văn minh, lịch sự khi tiếp xúc, công tâm, tận tụy khi thi hành công vụ, nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc, coi doanh nghiệp là đối tác và hợp tác, thực hiện nhanh chóng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo đó, phần lớn doanh nghiệp đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của các công chức hải quan chỉ ở mức bình thường (từ 55-61%) tại tất cả tiêu chí. Có 38% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “công chức hải quan thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao” ở mức cao/rất cao. Về thái độ phục vụ, 35% doanh nghiệp cho rằng cán bộ hải quan có thái độ văn minh, lịch sự khi tiếp xúc, còn 32% coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác.
Đối với mức độ an hiểu chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ hải quan, các doanh nghiệp đều cho rằng mức độ này là khá/tốt. Đối với kỹ năng giải quyết công việc, có 56% doanh nghiệp cho rằng kỹ năng thực hiện thủ tục thông quan – khâu kiểm tra hồ sơ của công chức hải quan ở mức khá/tốt. Ở khâu kiểm tra thực tế hàng hóa, tỷ lệ này là 54% và 49% cho điểm khá/tốt đối với kỹ năng xử lý thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát và nộp thuế.
Khoảng 35% doanh nghiệp được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi về phí ngoài quy định. Tuy vậy, vẫn có 28% doanh nghiệp cho biết họ phải trả thêm chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện các THHC về hải quan. Một số doanh nghiệp cho biết còn e ngại sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả thêm chi phí ngoài quy định.
Đối với kết quả giải quyết công việc của cơ quan hải quan, có 55% doanh nghiệp cho biết chỉ cần đi lại một lần để hoàn thiện bộ hồ sơ hợp lệ cho việc xét miễn thuế. Tỷ lệ này đối với hồ sơ hòan thuế trước và kiểm tra sau, kiểm tra trước, hoàn thuế sau là tương đối như nhau, chiếm khoảng một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát.
Đánh giá về những kết quả của nội dung khảo sát của năm 2015, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, quá trình khảo sát được thực hiện tính đến giữa năm 2015 đã cho thấy sự ghi nhận của doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách của ngành Hải quan.
“Nếu kết quả khảo sát tiếp tục cập nhật tiến trình thực hiện nhiều đột phá cải cách của ngành Hải quan trong những tháng gần đây sẽ ghi nhận thêm nhiều cố gắng của Ngành. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục mong chờ những cải cách mới của ngành Hải quan trong thời gian tới”- ông Lộc nói.