94% thủ tục hành chính hải quan được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3

Theo HT/chinhphu.vn

Năm 2018, ngành Hải quan phấn đấu đưa hết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan lên tối thiểu mức độ 3 để phục vụ tốt hơn nữa việc giải quyết thủ tục cho cộng đồng doanh nghiệp, tiến thêm một bước quan trọng trong chủ trương phục vụ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp đã được Hải quan Việt Nam phấn đấu thực hiện xuyên suốt, liên tục nhiều năm.

Năm 2018, ngành Hải quan phấn đấu đưa hết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan lên tối thiểu mức độ 3. Nguồn: internet
Năm 2018, ngành Hải quan phấn đấu đưa hết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan lên tối thiểu mức độ 3. Nguồn: internet

Đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê cho biết: Đến nay, đã có 126/178 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan được cung cấp tối thiểu mức độ 3 trên môi trường mạng. Trong đó, 123 thủ tục được cung cấp ở mức độ 4 (mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam).

Mỗi năm, ngành Hải quan xử lý được trên 12 triệu hồ sơ trên môi trường điện tử thông qua các Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Cổng thanh toán điện tử, Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến HQ36a... Riêng Hệ thống HQ36a triển khai từ ngày 1/3/2017 đến nay đã tiếp nhận và xử lý hơn 73.000 bộ hồ sơ, với sự tham gia của gần 11.800 cá nhân, doanh nghiệp.

Trong năm 2018, Tổng cục Hải quan tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tối thiểu mức độ 3 cho 42 thủ tục. Như vậy, số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 sẽ nâng lên 168/178 thủ tục, tương đương 94%.

Phân tích rõ hơn về điều này, lãnh đạo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan (Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan) cho biết: Dù tỉ lệ chỉ là 94% nhưng thực tế đây gần như toàn bộ thủ tục hành chính được giao dịch thường xuyên giữa doanh nghiệp, người dân với cơ quan Hải quan.

Đặc biệt, năm 2018 ngành Hải quan còn phấn đấu triển khai thêm lên Hệ thống các nghiệp vụ phát sinh trong quá trình tác nghiệp giữa cơ quan Hải quan và người dân, doanh nghiệp. Đây là những nghiệp vụ đã được quy định trong các văn bản pháp quy nhưng chưa được nêu tên thành thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan. Ví dụ việc gia hạn quá cảnh hàng hóa; việc quản lý hạn ngạch tôn màu để thực hiện thuế tự vệ…

Về lý do 10 thủ tục còn lại chưa được đưa lên Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, đại diện Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan cho hay, sở dĩ các thủ tục này chưa có kế hoạch đưa lên Hệ thống bởi việc triển khai trên môi trường điện tử sẽ không mang lại hiệu quả. Ví dụ thủ tục “xét miễn thuế đối với trường hợp hàng nhập khẩu chuyên dùng trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng; thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương chỉ được xét miễn thuế nếu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được”. Đây là thủ tục do Bộ Quốc phòng trực tiếp chuyển hồ sơ tới Tổng cục Hải quan, trong đó có các thành phần hồ sơ ở chế độ “Mật”. Hay thủ tục “hải quan đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới”, đối tượng làm thủ tục là các cá nhân cư dân biên giới, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến để các cá nhân là cư dân biên giới lên mạng nộp hồ sơ trực tuyến là không hiệu quả…

Theo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, thực hiện mục tiêu, kế hoạch mở rộng thủ tục hành chính lên Hệ thống, ngay từ năm 2018, đơn vị đã khẩn trương triển khai nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thành chạy thử, hoàn thiện các chức năng và quy chế vận hành của Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, phục vụ cho việc triển khai hệ thống mới tháng 2/2018.

Giám sát “trực tuyến”

Để thực hiện tốt hơn nữa dịch vụ công trực tuyến, lãnh đạo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan cho rằng, năm 2018 công tác tuyên truyền, tập huấn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Đáng chú ý, song song với việc mở rộng thủ tục, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát chặt chẽ các đơn vị, nhất là các cục hải quan địa phương trong quá trình thực hiện. “Không chỉ nhắc nhở các đơn vị thực hiện chưa tốt qua những văn bản của lãnh đạo Tổng cục, trong quá trình tác nghiệp hàng ngày, bộ phận quản lý Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tại trụ sở Tổng cục Hải quan sẽ liên tục theo dõi việc xử lý của các đơn vị trên Hệ thống, khi phát hiện có thủ tục bị xử lý chậm, muộn, hay chưa đúng quy trình, quy định… chúng tôi sẽ gọi điện trực tiếp với bộ phận chức năng ở các địa phương để việc giải quyết thủ tục được thực hiện kịp thời” - lãnh đạo Phòng Quản lý Cổng thông tin điện tử hải quan chia sẻ thêm.