Áp dụng chuẩn mực kế toán công ở Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2021

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành và công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo lộ trình của Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC. Việc xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là tất yếu, cần thiết trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng. Việc xây dựng hệ thống các chuẩn mực kế toán công tạo ra một môi trường pháp lý quan trọng cho lĩnh vực kế toán nhà nước, góp phần quản lý, quản trị ngày càng hiệu quả nền tài chính quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 Áp dụng chuẩn mực kế toán công ở Việt Nam: Yêu cầu từ thực tiễn

Theo Ngân hàng Thế giới (2019), quá trình chuyển sang áp dụng kế toán dồn tích trong khu vực công đang là xu thế tất yếu trên thế giới. 25% các quốc gia đã và đang công khai báo cáo quyết toán tài chính của họ trên cơ sở dồn tích. Con số này dự kiến sẽ đạt 65% trong 5 năm tới. Tại khu vực Đông Á, các quốc gia Indonesia, Malaysia, Singapore... đã ban hành chuẩn mực kế toán công tuân thủ với chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS). Các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan giám sát, các tổ chức đầu tư và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng ngày càng đòi hỏi thông tin tài chính công chất lượng cao.

Đối với Việt Nam, thời gian gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế và các hiệp định thương mại quy mô khu vực và toàn cầu đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Việc xây dựng các chuẩn mực kế toán công là cơ sở để Việt Nam được tăng hạng, đánh giá tín nhiệm cao hơn trong các quan hệ với các tổ chức quốc tế.

Hơn nữa, việc áp dụng kế toán công cũng giúp Chính phủ ra các quyết định và quản lý rủi ro tài khóa tốt hơn. Việt Nam là nền kinh tế thu nhập trung bình đang vươn dậy với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng. Để chuyển đổi đầy đủ sang nền kinh tế thị trường và trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam cần có năng lực ra quyết định và quản lý rủi ro tài khóa tốt hơn, đặc biệt liên quan đến vấn đề nợ và các nghĩa vụ dự phòng. Các chuẩn mực kế toán công tiên tiến sẽ cung cấp phương tiện và công cụ để các nhà hoạch định chính sách có góc nhìn toàn diện về tài sản ròng của khu vực công; toàn bộ tài sản có và tài sản nợ ở cấp trung ương và địa phương.

Ngoài  ra, thông qua áp dụng kế toán công, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ được tăng cường. Theo Ngân hàng Thế giới (2020), báo cáo tài chính chất lượng cao sẽ giúp nâng cao lòng tin của người dân và thị trường tài chính đối với các thể chế ở khu vực công, đồng thời, giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch cải thiện định mức tín nhiệm của Nhà nước. Bởi thông tin tài chính chất lượng cao là yếu   tố được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức đầu tư cân nhắc, đồng thời đem lại cơ hội thảo luận chính sách theo cách minh bạch và toàn diện hơn về cách thức quản lý tài sản ròng của khu vực công theo hướng bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang triển khai thực hiện Đề án Tổng Kế toán nhà nước nhằm xây dựng hệ thống báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Do vậy, yêu cầu đặt ra phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam để có cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy trình, và nội dung thông tin báo cáo tài chính nhà nước do Tổng Kế toán nhà nước cung cấp. Như vậy, việc xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là cần thiết trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng...

Nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ban hành và áp dụng chuẩn mực kế toán công, ngày 31/7/2019, Bộ Tài chính ban hành Quyết định  số 1299/QĐ-BTC phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam. Theo đó, Đề án đặt ra 3 mục tiêu cụ thể sau:

Một là, nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công phải đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

Hai là, việc nghiên cứu, xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam gắn với việc triển khai đề án xây dựng mô hình lập báo cáo tài chính nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính Nhà nước với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Ba là, việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ ban hành hệ  thống chế độ kế toán hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về   tài chính công và ngân sách nhà nước. Triển khai Quyết định này, từ năm 2019, Bộ Tài chính đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án, đồng thời đẩy nhanh các  nhiệm vụ  đã  đề  ra để đảm bảo ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam theo từng giai đoạn.

Trong đó, hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành và công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam (đợt    1), bao gồm: Chuẩn mực kế toán  công Việt Nam   số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”; chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”; chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 “Hàng tồn kho”; chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 “Bất động sản, nhà xưởng, thiết bị”; chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 “Tài sản vô hình”. Thông tư này làm căn cứ để ban hành các chế độ kế toán    áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công, phù hợp với quy định hiện hành về cơ chế tài chính công và Luật Ngân sách nhà nước.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế về lĩnh vực công thuộc Liên đoàn Kế toán quốc tế đã soạn thảo các chuẩn mực kế toán cho các đơn vị thuộc lĩnh vực công hay còn gọi là chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS). Trên thế giới, nhiều quốc gia đã, đang trong quá trình áp dụng IPSAS. Hệ thống chuẩn mực kế toán có thể được trình bày dưới các hình thức văn bản khác nhau, có thể là theo từng chuẩn mực riêng hoặc trình bày, quy định trong hệ thống kế toán chung, tùy theo đặc điểm của mỗi quốc gia.

Hiện nay, một số quốc gia lựa chọn cách áp dụng hoàn toàn chuẩn mực kế toán công quốc tế để thực hiện cho quốc gia mình, trong khi nhiều nước lựa chọn xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán công của quốc gia mình dựa trên việc kế thừa các quy định của IPSAS. Các quốc gia có xây dựng, công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc gia lựa chọn 1 trong 2 cách: i) Từng chuẩn mực được công bố theo hệ thống chuẩn mực, trình bày và đánh số hiệu riêng; ii) Chuẩn mực kế toán quốc gia không được trình bày, ban hành riêng theo hệ thống chuẩn mực mà theo khuôn khổ pháp luật hiện có của mỗi nước, trình bày xen kẽ trong hệ thống các quy định pháp luật về kế toán.

Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ đặt ra hiện nay là xây dựng hệ thống kế toán công thống nhất, hiện đại, phục vụ yêu cầu quản lý ngân sách và tài chính công nhằm đánh giá được hiệu quả chi tiêu ngân sách, theo dõi tình hình công nợ và tài sản của Nhà nước, xây dựng được bảng tổng kết tài sản quốc gia... đảm bảo tính công khai, minh bạch phù hợp  với các thông lệ quốc tế. Theo Vũ Đức Chính (2021), trong bài viết "Triển khai chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam đến năm 2030" (Tạp chí Tài chính), cần đẩy nhanh việc triển khai Đề án xây dựng và công bố chuẩn mực kế toán công ở Việt Nam phù hợp với yêu cầu quản lý tài chính công và ngân sách nhà nước Việt Nam. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần nhận thức rõ một số vấn đề sau:

Một là, việc ban hành, áp dụng chuẩn mực kế toán công là một quá trình lâu dài đòi hỏi lãnh đạo có quyết tâm chính trị cao và chuyên môn sâu sát để có thể xác định rõ mục tiêu cải cách, xây dựng các nhóm cải cách chuyên trách, quản lý chi phí và xây dựng một kế hoạch hành động cho quá trình chuyển đổi (có cân nhắc đến trình độ  phát  triển của hệ thống kế toán hiện hành), đồng thời tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nên cải cách theo lộ trình từng bước, bắt đầu bằng những chuẩn mực kế toán ít phức tạp.

Hai là, việc nghiên cứu, ban hành và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam phải đảm bảo phù hợp với hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế do IPSASB công bố, phù hợp với yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, quá trình hội nhập kinh tế tài chính nói chung và góp phần thúc đẩy hội nhập về kế toán của Việt Nam với thế giới nói chung và khu vực nói riêng. Kinh nghiệm quốc  tế cho thấy, hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam sẽ căn cứ vào hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế được xây dựng và áp dụng chung, do vậy đối với từng quốc gia có những bất cập do có những điểm khác biệt do cơ chế quản lý tài chính, ngân sách. Vì vậy, một số nội dung chuẩn mực kế toán công quốc tế cần phải được sửa đổi cho phù hợp với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ban hành, công bố và áp dụng chuẩn mực kế toán công cũng phải gắn với mục tiêu cải cách tài chính công của Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, để xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán công trước hết phải đặt nó trong bối cảnh hiện tại cũng như những định hướng lâu dài về quản lý tài chính công của Việt Nam.

Ba là, việc trình bày các chuẩn mực kế toán công phải rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với thể thức và quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam. Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu là các thuật ngữ, từ ngữ sử dụng trong các chuẩn mực phải thông dụng, hạn chế tối đa việc dùng các thuật ngữ mang tính chất vay mượn, phức tạp khó hiểu trong hệ thống chuẩn mực  kế toán công quốc tế. Quá trình xây dựng, phê chuẩn   và công bố các chuẩn mực kế toán phải được tiến hành đúng tuần tự các bước theo quy định xây dựng và ban hành các văn bản luật của Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân  dân đối với dự thảo Thông tư ban hành và công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam (đợt 1) về “Trình bày báo cáo tài chính”; “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”; “Hàng tồn kho”; “Bất động sản, nhà xưởng, thiết bị”; và “Tài sản vô  hình”. Theo đánh giá chung, về cơ  bản, các chuẩn mực này cũng đã đáp ứng được các yêu cầu trên.                                                                    

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2013), Quyết định số 2261/QĐ-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về kế hoạch triển khai Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
  2. Bộ Tài chính (2019), Quyết định số 1299/QĐ-BTC ngày 31/7/2019 phê duyệt Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam;
  3. Đức Chính (2020), Triển khai chiến lược kế toán, kiểm toán Việt Nam: Kết quả và định hướng đến năm 2030, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2020;
  4. Dương Thị Vân Anh (2019), Áp dụng chuẩn mực kế toán công vào Việt Nam và một số vấn đề cần trao đổi, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019;
  5. Thị Tuyền (2019), Áp dụng chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019;
  6.  Việt Nam cần ban hành một bộ chuẩn mực kế toán công, Tạp chí điện tử Tài chính, truy cập từ link: https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/viet- nam-can-ban-hanh-mot-bo-chuan-muc-ke-toan-cong-307965.html.