Ông Hà Duy Tùng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính):

Bộ Tài chính Việt Nam tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính khu vực (*)

PV.

Trong năm 2020, dù phải đối diện với những tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính Việt Nam đã cùng các nước thành viên tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính khu vực theo đúng mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị.

Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN và ASEAN+3 được hình thành từ rất sớm, lần lượt vào năm 1995 và 1997. Đây là các kênh hợp tác về tài chính sâu rộng nhất của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Trong năm 2020, Việt Nam đồng thời đảm nhận vai trò Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN và Đồng Chủ tịch tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN+3 cùng với Nhật Bản. Mặc dù, phải đối diện với những tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính Việt Nam đã cùng các nước thành viên tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính khu vực theo đúng mục tiêu đề ra. Cụ thể:

Hợp tác tài chính ASEAN 2020 hướng tới mục tiêu tài chính bền vững

Việt Nam đã đề xuất 13 sáng kiến ưu tiên trong khuôn khổ Trụ cột Kinh tế ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, tài chính, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, thống kê, du lịch, đổi mới sáng tạo…

Nằm trong Trụ cột Kinh tế ASEAN, sáng kiến ưu tiên “Tài chính bền vững trong ASEAN” do Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả các nước thành viên. Sáng kiến này được xây dựng nhằm khuyến khích các nước ASEAN tăng cường phát hành trái phiếu theo các tiêu chuẩn của ASEAN đối với trái phiếu xanh (GBS), trái phiếu xã hội (SBS) và trái phiếu bền vững (SUS).

Theo đó, các dự án đáp ứng được các yêu cầu về trách nhiệm môi trường, xã hội và bền vững khi phát hành trái phiếu để huy động vốn tuân thủ theo các tiêu chuẩn trái phiếu GBS, SBS và SUS sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn giảm thuế, phí tuỳ theo quy định của mỗi nước thành viên ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN tháng 10/2020 đã thông qua các kết quả đầu ra quan trọng của sáng kiến “Tài chính bền vững trong ASEAN”, bao gồm “Báo cáo thúc đẩy Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Lộ trình về Phát triển bền vững thị trường vốn ASEAN”. Các báo cáo này cũng đã được tổng hợp trong kết quả chung của Trụ cột Kinh tế ASEAN 2020 báo cáo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020).

Bên cạnh đó, trong vai trò Chủ trì tiến trình hợp tác, Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính các nước thành viên tiếp tục triển khai các sáng kiến trong các lĩnh vực hợp tác tài chính khu vực như: Mở rộng hợp tác thuế, hải quan, tự do hóa dịch vụ tài chính, tăng cường tài chính bền vững và tiếp tục thúc đẩy tài chính cơ sở hạ tầng. Tất cả các hoạt động hợp tác tài chính này đều hướng tới việc thực hiện các mục tiêu đã được đề ra tại Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Blueprint 2025).

Trong năm 2021, mặc dù sẽ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2021 cho Brunei, Bộ Tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN.

Tăng cường giám sát, đảm bảo ổn định kinh tế tài chính khu vực ASEAN+3

Hướng tới mục tiêu duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường hợp tác tài chính khu vực ASEAN+3, tiến trình hợp tác tài chính giữa ASEAN và 03 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm 2020 được triển khai theo 4 nội dung chính: (i) Kiểm điểm kinh tế và Đối thoại chính sách (ERPD); (ii) Đa phương hoá Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM); (iii) Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI); (iv) Định hướng các ưu tiên hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tương lai. Cụ thể:

(i) Cơ chế ERPD trong ASEAN+3 là khuôn khổ đối thoại chính sách giữa các nước ASEAN+3 và các tổ chức quốc tế nhằm đánh giá, chia sẻ tình hình, cũng như định hướng chính sách, đảm bảo ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

(ii) Đa phương hoá CMIM là thỏa thuận, cho phép các quốc gia thành viên có thể nhận được các khoản hỗ trợ khẩn cấp thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ trong điều kiện nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn về thanh khoản và mất cân bằng cán cân thanh toán.

Với 2 thể thức hỗ trợ ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng, Quỹ CMIM với quy mô 240 tỷ USD là nền tảng an toàn tài chính khu vực quan trọng, không chỉ giúp các nước thành viên vượt qua khó khăn, mà còn giúp đảm bảo sự ổn định về tài chính và kinh tế vĩ mô của khu vực.

Trong năm 2020, với việc thông qua Kế hoạch triển khai trung hạn của Văn phòng Nghiên cứu Vĩ mô ASEAN+3 giai đoạn 2020-2024, nâng cấp cả về nguồn lực tài chính, nhân sự và chức năng,  Văn phòng Nghiên cứu Vĩ mô ASEAN+3 được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể vai trò trong khu vực, đáp ứng yêu cầu của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3.

(iii) Phát triển ABMI, Hoạt động của ABMI triển khai theo 5 nhóm công tác, bao gồm: Khuyến khích phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ; Thúc đẩy nhu cầu trái phiếu bằng đồng nội tệ; Tăng cường khung pháp lý thị trường trái phiếu khu vực; Nâng cao cơ sở hạ tầng liên quan đến thị trường trái phiếu; Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật...

(iv) Nhằm tiếp tục tìm kiếm và phát triển các sáng kiến hợp tác mới trong tương lai, các nước ASEAN+3 đã thành lập 5 nhóm nghiên cứu để thảo luận về các định hướng hợp tác mới, bao gồm: (i) Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; (ii) Tài chính cơ sở hạ tầng; (iii) Các công cụ hỗ trợ nhằm giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; (iv) Tăng cường sự phục hồi tài chính trước biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai; (v) Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính.

Trong năm 2021, tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát vĩ mô và đối thoại chính sách, tìm kiếm các giải pháp ứng phó với  thách thức từ đại dịch Covid-19; nâng cấp và hoàn thiện CMIM và năng lực hoạt động của AMRO; thực hiện Lộ trình trung hạn sáng kiến ABMI và xây dựng lộ trình và kế hoạch hành động cho 5 định hướng hợp tác mới trong ASEAN+3...

(*) Trích lược từ bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2/2021.