Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải đáp cặn kẽ các ý kiến, kiến nghị của cử tri

PV.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri Đại học Quy Nhơn, tỉnh Bình Định sáng ngày 7/5/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải đáp cặn kẽ, thấu đáo các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn.

Giải đáp câu hỏi của cử tri liên quan đến miễn tiền thuê đất cho Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành của giáo sư Trần Thanh Vân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất miễn tiền thuê đất cho dự án Trung tâm này đến năm 2020.

Trong thời gian tới, cần phải đánh giá lại đề xuất miễn tiền thuê đất 50 năm "là có đủ điều kiện và phù hợp hay không". Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, nếu có lợi cho đất nước, cho cộng đồng, có đột phá trong tư duy đào tạo, thì các cơ quan liên quan sẽ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ miễn tiền thuê đất. Do đó, ba bộ liên quan gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính cần ngồi lại để có đánh giá cụ thể.

Về ý kiến liên quan đến Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để được hỗ trợ kinh phí, các trường đại học phải xây dựng Đề án chi tiết về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên để triển khai thực hiện.

Trong đó, các trường đại học cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giảng viên thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế số, nhất là các ngành công nghệ cao theo Quyết định trên. Bộ trưởng cho biết, trong xây dựng dự toán năm 2022, Bộ Tài chính sẽ đưa vào danh mục chi cho khoa học công nghệ theo Quyết định này.

Cử tri Trường Đại học Quy Nhơn đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại cuộc tiếp xúc.
Cử tri Trường Đại học Quy Nhơn đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại cuộc tiếp xúc.

Liên quan đến kiến nghị về chính sách cải cách tiền lương, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã quy định cụ thể về vấn đề này. Dự toán chi lương cho giáo viên năm sau luôn cao hơn năm trước, đến năm 2024 là 120 nghìn tỷ đồng và năm 2025 là khoảng 150 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù ngân sách đã bố trí nguồn chi nhưng lương cho giáo viên không phải là cao, muốn tăng mức sống cho cán bộ giáo viên, cần phải cải cách hành chính, cải cách bộ máy để tiết kiệm có nguồn chi cho người lao động. “Năm 2022, cải cách tiền lương, xếp bảng lương mới theo chế độ đào tạo, theo chức vụ và vị trí việc làm, để thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, cần sự đột phá mạnh mẽ và cần thiết phải có nguồn lực thực hiện”, người đứng đầu ngành Tài chính chia sẻ thêm.

Về tự chủ đại học, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu như trông chờ vào ngân sách thì không thể đổi mới được. Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, để giải quyết những bất cập hiện nay.

Giải đáp câu hỏi của cử tri về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, thị trường chứng khoán đã có mức tăng trưởng vượt bậc, lượng giao dịch tăng lên 3 lần, tuy nhiên có giai đoạn bị tắc nghẽn lệnh, đến nay đã được giải quyết.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại, thực hiện theo luật để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch và an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, tránh thao túng và làm giá trên thị trường chứng khoán; phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, thực hiện các giải pháp lành mạnh hóa thị trường tài chính…