Đằng sau những con số của một năm ngân sách đáng nhớ

Theo Nga Phạm/thuenhanuoc.vn

Cuối cùng, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 đã hoàn thành vượt dự toán, đảm bảo nguồn lực chi phục vụ cho các nhiệm vụ thường xuyên và đặc biệt là cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội. Đằng sau những con số tưởng như khô khan ấy là cả chuỗi những ngày tháng không thể quên, với gói mì tôm pha vội trong đêm, những lần tranh thủ chợp mắt và cả những buổi tan làm lúc 1-2 giờ sáng… của các cán bộ làm công tác dự toán thu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm của những tình huống “chưa từng có tiền lệ”

Với cảm nhận của riêng tôi, ở một góc độ nào đó thì những người làm công tác dự toán cũng giống như các dự báo viên thời tiết. Theo đó, nếu dự báo viên phải nắm bắt được toàn bộ các điều kiện thời tiết hiện tại trên một khu vực cụ thể để đưa ra cảnh báo, thì người làm công tác dự toán thu phải hiểu và nắm được tổng thể bức tranh kinh tế xã hội, cũng như phải có sự tổng hợp, phân tích số liệu, đánh giá tình hình để đề xuất, tham mưu các giải pháp thu đúng, trúng và phù hợp với bối cảnh. Với họ, mỗi cái “hắt hơi, sổ mũi” của nền kinh tế cũng đủ để lo lắng, bởi điều đó có thể tác động lớn tới số thu ngân sách.

Có dịp trò chuyện với bà Phạm Thị Tuyết Lan, Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế (Tổng cục Thuế) mới hiểu hơn về những vất vả âm thầm của người làm công tác dự toán thu. “Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng dự toán thu ngân sách đảm bảo bám sát tình hình kinh tế, đồng thời theo dõi tiến độ thu để kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính các giải pháp chỉ đạo, điều hành. Mỗi cán bộ làm công tác dự toán luôn phải đối diện với các câu hỏi vì sao số thu lại tăng cao hay giảm đi? Nguyên nhân nào khiến khoản thu này hay kia đột biến? Chỉ khi trả lời được thì mọi đề xuất, tham mưu của chúng tôi với cấp trên mới trúng và đúng” - bà Lan nói.

Chia sẻ của bà Lan khiến tôi nhớ lại thời điểm 5 tháng đầu năm 2021, khi số thu NSNN tăng tới 22%, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi vì sao khi dịch bệnh đang hoành hành mà số thu vẫn tăng. Bằng những con số chi tiết, đánh giá đúng tình hình sức khỏe của nền kinh tế, mọi lý giải của ngành thuế đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu quốc hội và xã hội.

Năm 2021 có lẽ là năm đáng nhớ nhất với những người làm công tác dự toán thu, bởi đó là năm với nhiều cái “nhất”, “chưa từng có tiền lệ” đã diễn ra. Không có năm nào mà công tác tham mưu điều hành thu lại phải xây dựng nhiều kịch bản đến như thế, do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường. Riêng thu NSNN quý III đã giảm 31,4% so với quý I và giảm 25,7% so với quý II. Có tới 43 địa phương đều giảm thu, thậm chí tại một số địa bàn trọng điểm số thu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt Hà Nội đã giảm 30,5% và TP. Hồ Chí Minh giảm trên 41,3% so với quý I...

Tất cả đã tạo áp lực lớn lên công tác thu ngân sách và đặt công việc của các cán bộ dự toán luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”. Bởi họ hiểu hơn ai hết, nếu không đảm bảo thu, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mọi hoạt động chi NSNN, nhất là trong bối cảnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi thêm nhiều khoản chi đột xuất. “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã lên kịch bản điều hành thu, nhưng khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, kịch bản đó đã bị thay thế. Cứ như vậy, đã có rất nhiều kịch bản điều hành thu được đưa ra, xoay quanh diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Thậm chí, có thời điểm kịch bản thu còn được xây dựng theo tháng. Mặc dù vất vả, nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì mọi đề xuất, tham mưu đều được lãnh đạo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đánh giá cao” - bà Lan chia sẻ. 

Nói đơn giản vậy, nhưng để lên được một kịch bản điều hành thu không dễ dàng chút nào. Ngoài việc phải bám sát tình hình thu tại các địa phương, các cán bộ dự toán còn phải tìm hiểu rõ diễn biến của dịch bệnh và hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tham gia tham mưu các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, rồi lại theo dõi sát sao tình hình triển khai, đánh giá tác động của gói hỗ trợ để tiếp tục xây dựng kịch bản phù hợp với thực tế. Nhờ tinh thần trách nhiệm, nỗ lực với thái độ làm việc nghiêm túc mà tất cả các yêu cầu, “đề bài” mà lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đưa ra đều được các cán bộ hoàn thành chỉ sau 1-2 ngày.

“Có những thời điểm, mới 5 giờ sáng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã nhắn tin cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu có số liệu, giải pháp thu để kịp báo cáo Chính phủ giải pháp điều hành. Vậy là, mọi công việc lại nhanh chóng được triển khai, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ chúng tôi đã có được số liệu chính xác tổng hợp từ các cục thuế để báo cáo cấp trên” - bà Lan nhớ lại.

Đáng nói là, trong khi các kịch bản thu ngân sách thay đổi liên tục, thì công tác xây dựng dự toán cho năm 2022 vẫn phải đảm bảo tiến độ. Cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ, lại trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, nhiều nơi cán bộ địa phương phải làm việc online, nên khâu liên lạc, lấy số liệu vô cùng khó khăn, vất vả.

Toàn bộ các buổi làm việc trực tiếp với địa phương đã chuyển thành trực tuyến, tiến độ giao dự toán theo kế hoạch 1 địa phương/ngày đã được đẩy lên 2 địa phương/ngày đêm. Những lúc ấy, ghế văn phòng đã trở thành chiếc giường bất đắc dĩ, gói mì tôm được pha vội trong đêm… rồi tất cả lại cấp tập, vội vàng làm việc cho kịp tiến độ. Khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn quốc, Vụ Dự toán thu thuế lại tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế, đặc biệt là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh các giải pháp thu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Niềm vui từ những con số  

Cuối cùng, sau bao nỗ lực của toàn ngành, số thu ngân sách quý IV đã tăng 47,3% so với quý III, góp phần quan trọng giúp tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý vượt dự toán khoảng 20%. Đặc biệt, sau nhiều năm lỡ hẹn, năm 2021 lần đầu tiên thu thuế, phí từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực kinh tế nhà nước, đầu tư nước ngoài, ngoài quốc doanh đã đạt và vượt trên 14,5% so với dự toán và trên 11,3% so với cùng kỳ; 14/19 khoản thu, sắc thuế và 60/63 địa phương hoàn thành dự toán thu nội địa.

Có được kết quả này là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, cùng với những nỗ lực của DN và người dân trong việc duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cơ quan thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, vừa hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn, vừa rà soát, đôn đốc, động viên nộp kịp thời số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn, đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thuế phát sinh theo quy định. Và trong kết quả đó, tập thể những người làm công tác dự toán thu thuế tự hào đã đóng góp những công sức nhất định.

Một mùa xuân nữa lại về, người người, nhà nhà hối hả sắm tết, còn các cán bộ của Vụ Dự toán thu thuế vẫn đang tiếp tục công việc lặng lẽ rà soát, phân tích, dự báo, tìm nguồn thu để tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế những giải pháp điều hành. Tin rằng, bằng nỗ lực, ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết, các cán bộ của Vụ Dự toán thu thuế sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, áp lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng ngành thuế tiếp tục có thêm những năm ngân sách thắng lợi.