Ngân sách nhà nước đã chi 21,1 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch Covid-19

PV. (t/h)

Tại phiên họp sáng ngày 15/6/2021, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5, 5 tháng, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp. Nguồn: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Chính sách tài khóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trở lại, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân và bước đầu tác động đến thu, chi NSNN.

Thu NSNN tháng 5 đạt 98,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020. Chi NSNN tháng 5 đạt 125,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 5 tháng đạt 34,5% dự toán. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 5 tháng có thặng dư.

Dự báo về thực hiện NSNN 6 tháng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020. Chi NSNN ước thực hiện 6 tháng đạt 43% dự toán.

Trong những tháng đầu năm, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo đó, đã cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp; tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021...

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, 5 tháng đầu năm 2021 đã gia hạn 21 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2,46 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính phủ đã chủ động đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ chính trị quan trọng và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tính cả năm 2020, NSNN đã chi 21,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân.

Ngân sách trung ương đã dành trên 14,5 nghìn tỷ đồng để mua vắc xin phòng Covid-19. Đồng thời, thành lập Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 để huy động nguồn đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, để cùng với NSNN đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm chủng vắc xin cho người dân.

Đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và thu, chi NSNN.

Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: quochoi.vn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ xác định giải pháp cho những tháng cuối năm là tiếp tục kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép” - vừa tập trung phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước mua vắc xin và cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh.

Cùng với đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, các đề án về tài chính-NSNN theo chương trình và yêu cầu thực tế; thực hiện tốt công tác quản lý thu; tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, kiểm tra chuyên ngành, quản lý hóa đơn điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN...

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế năm 2020 sang năm 2021 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19; chuyển nguồn 14,6.000 tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương năm 2020 chưa sử dụng sang năm 2021; thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội chỉ đạo các địa phương chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để đảm bảo các nhiệm vụ theo phân cấp, đặc biệt là thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; không để phát sinh tình trạng chậm, muộn. Trường hợp hụt thu và phải chi những khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn, thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã cho biết, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; thực hiện các giải pháp triệt để tiết kiệm chi để bảo đảm nguồn lực cho việc phòng chống đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ tăng cường công tác dự báo, bổ sung các số liệu ước thực hiện của cả năm và có cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu NSNN, mức trần nợ công, từ đó có biện pháp điều hành thu - chi NSNN kịp thời, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đảm bảo mức trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội.